Thủ tướng Anh nỗ lực thuyết phục người dân nói "không" với Brexit

Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh, nếu người dân lựa chọn "ra đi" sau cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 23/6, đây sẽ là một vết thương lớn nước Anh phải tự chuốc lấy cho nền kinh tế.
Thủ tướng Anh nỗ lực thuyết phục người dân nói "không" với Brexit ảnh 1Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tối 2/6, tại cuộc trao đổi đầu tiên trên truyền hình nói về vấn đề "đi hay ở lại" Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông sẽ đưa nước Anh vào EU theo "quy chế đặc biệt" mà nước này đang được hưởng nếu London không sẵn sàng là một thành viên trong "ngôi nhà chung" nữa.

Trong suốt buổi trao đổi diễn ra một tiếng trên kênh truyền hình Sky News, ông Cameron đã trả lời hàng loạt câu hỏi từ vấn đề nhập cư tới an ninh.

Mặc dù thừa nhận thất vọng với liên minh 28 thành viên có quá nhiều quy định bất cập, song nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh rằng nếu người dân lựa chọn "ra đi" sau cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào ngày 23/6, đây sẽ là một vết thương lớn nước Anh phải tự chuốc lấy cho nền kinh tế.

Ông cho biết mỗi hộ gia đình có thể thiệt hại 4.300 bảng (6.200 USD)/năm nếu Anh rời khỏi EU.

Ông thừa nhận: "Nước Anh sẽ không thành công nếu ra khỏi EU và Xứ sở Sương mù chỉ thành công khi ở lại liên minh để cùng nhau nỗ lực cải thiện nó cũng như bảo vệ sự thịnh vượng và an ninh cho một quốc gia vốn có nhiều ảnh hưởng."

Tuy nhiên, Thủ tướng Cameron khẳng định sẽ không bao giờ muốn nước Anh tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trừ khi người Anh được hưởng những quy định như "quy chế đặc biệt" đang được hưởng.

Hiện tỷ lệ người ủng hộ và muốn Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) vẫn khá ngang bằng. Ở thời điểm chỉ còn 3 tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, cả hai phe vận động ở lại và ra đi vẫn đang tăng cường chiến dịch vận động nhằm thuyết phục cử tri đang lưỡng lự bỏ phiếu cho mình.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng nếu kịch bản Brexit xảy ra, tiến trình Anh rút ra khỏi EU và những hậu quả cụ thể của nó sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng và đơn giản, không phải là một sự kiện kiểu thời điểm mà là một quá trình lâu dài và phức tạp.

Điều 50 của Thỏa thuận thành lập EU có đề cập việc một nước có thể xin rút ra khỏi liên minh, song không quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các bước tiếp theo sẽ như thế nào.

Nếu Brexit trở thành hiện thực sau ngày 23/6, Anh sẽ phải trình lên Hội đồng châu Âu “Đề nghị xin rút khỏi EU” và quá trình đàm phán ở EU về Brexit mới chính thức bắt đầu.

Khi Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chưa thông qua đề xuất xin rút khỏi EU của Anh, trong thời gian đó London vẫn là một thành viên EU với đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Trong trường hợp này, Anh có thể dùng quyền phủ quyết hoặc quyền đồng thuận đối với các vấn đề ngân sách EU hay đối với các hiệp định thương mại tự do của EU với nước thứ ba./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.