Thủ tướng chỉ thị về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét.
Cảnh tan hoang sau khi cơn lũ dữ quét qua bản Chu Va, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu), tháng 6/2018. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất liên tiếp xảy ra tại khu vực miền núi, trung du, nhất là ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Nghệ An.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, nỗ lực trong ứng phó, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khả năng dự báo, cảnh báo còn hạn chế, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vẫn rất lớn, nhất là về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của Nhân dân và Nhà nước, để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương, quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra năm 2017 và đầu năm 2018, tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, bố trí chỗ ở an toàn và ổn định đời sống, sản xuất; sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng. Các trường học khi đầu tư xây dựng lại hoặc xây mới cần được đầu tư kiên cố đảm bảo an toàn trước thiên tai và kết hợp làm nơi sơ tán, trú tránh cho người dân khi xảy ra thiên tai.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định và cắm biển cảnh báo khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến từng thôn, bản, hộ dân, công trình công cộng (nhất là trường học, cơ sở y tế), tuyến đường giao thông, khu sản xuất để chủ động di dời bảo đảm an toàn hoặc sẵn sàng phương án sơ tán khi xảy ra mưa lũ lớn; triển khai các giải pháp cấp bách tiêu thoát nước, giảm tải để giảm nguy cơ sạt trượt, đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư trong mùa mưa lũ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sạt lở, sập hầm lò gây thiệt hại về người tại khu vực khai thác khoáng sản khi mưa lũ; ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất (đào núi, xẻ ta luy dốc đứng để xây dựng nhà ở, công trình; đắp chặn dòng trữ nước trái quy định). Có biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở những nơi buông lỏng quản lý, triển khai không nghiêm túc và tiếp tục để xảy ra vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn các đập thủy lợi, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị và phương án ứng phó sự cố đập, nhất là các đập vừa, đập nhỏ xung yếu do địa phương quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, lịch thời vụ và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với đặc thù khí hậu, thiên tai từng vùng, hạn chế rủi ro trong sản xuất cho người dân.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát, cập nhật phương án, sẵn sàng điều động, chi viện lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai, nhất là việc sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ khắc phục sự cố; thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, chốt gác, bố trí cảnh báo tại các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, đoạn đường bị sạt lở đất, đá, khu vực hay xảy ra lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục