Cơn “đại hồng thủy” khủng khiếp vừa mới xảy ra ở miền núi phía Bắc đã khiến 30 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế lên tới hàng trăm tỷ đồng. Con số đau lòng này cho thấy lũ quét đang gây hậu quả khôn lường tới cuộc sống người dân.
Theo giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũ quét xảy ra bắt nguồn từ rất nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là do phá rừng, phát triển thủy điện nhỏ ồ ạt, chưa có bản đồ vùng tránh lũ…
Thủy điện nhỏ "bùng ra"
- Ông có thể nói rõ hơn là tại sao trong đợt lũ quét vừa qua, người dân các vùng núi phía Bắc lại bị thiệt hại nặng nề đến vậy?
Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng: Trước tiên phải khẳng định là trận lũ quét vừa xảy ra ở khu vực miền núi phía Bắc (các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên) là quá khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng người dân.
Vấn đề cần giải thích là, lũ và sạt lở đất kéo theo bùn đá ở miền núi đã xảy ra nhiều năm rồi, nhà nước cũng đã nhắc nhở nhiều, nhưng vì sao vẫn còn hiện tượng đó?
Trước tiên về mặt kỹ thuật, về mặt thời tiết thì có mưa mới có lũ. Có lũ mới gây sạt lở đất. Rõ ràng biến đổi khí hậu đã có sự thay đổi rõ rệt. Đó là lượng mưa có cường độ cao hơn, mưa cục bộ ở một số thung lũng chứ không phải dàn trải khắp cả vùng.
Nhưng có phải chỉ vì biến đổi khí hậu, vì thiên nhiên, hay vì lý do nào khác, nhất là khi những khu rừng, những căn nhà trước đây vẫn ổn định, thì nay lại dễ dàng bị sạt lở xuống, bị lũ cuốn trôi? Rõ ràng là có nguyên nhân khác.
Nguyên nhân đầu tiên là việc phát triển thủy điện nhỏ quá ồ ạt. Điển hình như tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, gần đây chính quyền địa phương lại duyệt cho hàng chục thủy điện nhỏ được “mọc lên” trên các con sông, con suối.
Dù rằng, năm 2012, Quốc hội đã yêu cầu xóa bỏ hơn 400 dự án thủy điện nhỏ vì lý do “gây hậu quả lũ cho hạ du.” Tuy nhiên, sau một thời gian tạm lắng xuống thì nay thủy điện nhỏ lại “bùng ra" ở nhiều tỉnh miền núi.
Xét về mặt kỹ thuật, thủy điện nhỏ có hồ chứa, có đập, có người mở cửa, có dự báo nhưng tại sao vẫn gây hậu quả lũ cho hạ du? Lý do là, thủy điện nhỏ phần lớn được quy hoạch trên các dòng sông, dòng suối vốn dĩ không có “bụng” chứa nước lớn.
Ngày xưa chưa có thủy điện thì khi lũ về, các dòng sông, suối, thung lũng sẽ tự điều tiết nước lên xuống theo tự nhiên, nước lên xuống từ từ, không gây ảnh hưởng lớn.
Còn nay, cái “bụng” chứa nước, vùng trũng của sông, suối, người ta lại quy hoạch làm thủy điện, trở thành nơi chứa nước. Vì thế khi lũ về, nước sông, suối dâng lên rất nhanh, sau đó tràn xuống hạ du khiến tình trạng sạt lở và lũ quét càng trở nên khó lường hơn.
Rõ ràng, thủy điện nhỏ rất tai hại, nó chỉ có lợi cho nhà đầu tư, còn hạ du thì rất nguy hiểm, bởi “cái bụng chứa nước” của thủy điện nhỏ nằm ở trên cao chẳng khác “bom nước” treo trên đầu người dân hạ du.
Nguyên nhân thứ hai là do hoạt động khai thác mỏ khoáng sản, điển hình như khai thác đá, đất hiếm, quặng và vàng…Theo quy luật, sau khi khai thác, đất đá thải người ta dồn lên cao nên khi mưa xuống rất dễ gây ra tình trạng sụt lún, lũ quét cuốn theo đất đá từ trên cao đổ xuống như hình ảnh vừa xảy ra ở Lai Châu.
[Khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại miền núi và trung du Bắc Bộ]
Một nguyên nhân nữa là tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, chuyển đổi rừng nguyên sinh sang rừng sản xuất, trong khi công tác thâm canh thiếu khoa học đã khiến đất rừng bị nhão nhoét, không giữ được vai trò là rào chắn nước, khiến nước mưa từ trên cao đổ ập xuống hạ lưu, khu dân cư càng nhanh, gây ra lũ quét.
Hiện nay chúng ta đã phải trả giá cho những việc đó và tình trạng này còn tiếp tục nữa. Vì nhiều khu rừng đã bị đốn hạ, trong khi để trồng được những cánh rừng nguyên sinh như thế, đúng nghĩa là những tấm giáp chắn giúp điều tiết nước cũng như môi trường sống thì phải hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể đáp ứng được.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là việc quy hoạch dân cư miền núi đang “có vấn đề,” việc mở đường không theo quy hoạch địa chất của từng vùng. Đó cũng là lý do mà cứ mưa xuống, ở nhiều nời, người dân miền núi lại kêu xảy ra tình trạng nứt đường, đồi núi ven đường bị sạt lở.
- Vấn đề quy hoạch thủy điện nhỏ, chặt phá rừng đã bị lên án rất nhiều. Tuy nhiên, đến nay việc quy hoạch vùng tránh lũ, đặc biệt là tại các tỉnh vùng cao liệu đã hiệu quả chưa, thưa ông?.
Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng: Từ thực tế lũ quét và mức độ thiệt hại do lũ gây ra trong thời gian qua cho thấy, việc quy hoạch vùng tránh lũ đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bởi vì muốn quy hoạch được vùng tránh lũ thì trước tiên là phải chỉ ra được đường tránh lũ, mà cái này nó phụ thuộc theo mưa, phụ thuộc địa hình.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có Tổng cục Phòng chống thiên tai. Hi vọng, đơn vị này phối hợp với chính quyền các địa phương sẽ sớm đưa ra được các mô hình nguy cơ sạt lở, nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất, để có thể quy hoạch lại khu dân cư, vùng tránh lũ đảm bảo an toan hơn cho người dân../.
Trân trọng cảm ơn ông!