Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến, chỉ đạo ứng phó với bão số 16

Chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16 - cơn bão có tên quốc tế Tembin đã khiến gần 200 người tại Philippines thiệt mạng.
Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến, chỉ đạo ứng phó với bão số 16 ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 16 ( bãoTembin). (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chiều 24/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với cơn bão số 16 (Tembin).

Dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác phòng chống bão, đồng thời nhấn mạnh đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, kèm theo triều cường sẽ gây thiệt hại lớn nếu sơ suất trong chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương và người dân phải thường xuyên theo dõi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình của cơn bão, không được chủ quan; đài khí tượng thủy văn và các cơ quan báo chí, truyền thông cần nâng cao thời lượng tuyên truyền, thông tin đầy đủ diễn diễn của cơn bão đến tận người dân ở mọi khu vực; các địa phương phải xây dựng biện pháp di dời dân ra vùng an toàn, đặc biệt huy động lực lượng công an, quân đội, thanh niên giúp dân gia cố nhà cửa đảm bảo an toàn; các giàn khoan trên biển cần có kế hoạch phòng chống cụ thể, nếu cần thiết có thể tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến, chỉ đạo ứng phó với bão số 16 ảnh 2Đường đi và vị trí cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Về phương án bảo vệ tài sản, hoa màu của người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương nằm trong vùng tâm bão cần hướng dẫn bà con khẩn trương thu hoạt với tiêu chí "xanh nhà hơn già đồng," nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân; dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai các hoạt động ứng phó.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác sẵn sàng ứng cứu phải được coi là nhiệm vụ số một của các lực lượng chức năng; khi cần thiết, triển khai biện pháp mạnh đối với những tàu thuyền, cá nhân không chấp hành thực hiện các phương án phòng chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng đang diễn ra tại các khu vực cơn bão đi qua. Nếu không có giải pháp ứng phó hợp lý, hậu quả sẽ rất khó lường.

Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương rà soát, đưa hết phương tiện đang hoạt động trên biển về vị trí cư trú, nhưng phải đảm bảo an toàn, nhất là tính mạng, tài sản của nhân dân, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để công tác phòng chống thiên tai đạt hiểu quả cao, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng trách nhiệm của người dân; lực lượng cứu hộ tại chỗ là quyết định nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cũng như các địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết bão Tembin -cơn bão thứ 22 đổ bộ vào Philippines đã gây thiệt hại ban đầu rất lớn với gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích. Đây là cơn bão mạnh, trái quy luật vì đổ bộ vào cuối năm, tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão, dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, nhiều khách du lịch, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện cơn bão số 16 rất nguy hiểm, đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 12, giật cấp 15; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau-Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11; sóng biển có thể lên trên 10m, sau đó sẽ đi vào đất liền mới suy yếu.

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, công tác phòng chống đã được triển khai đồng bộ, hơn 13.000 hộ dân thuộc 9 tỉnh đã được sơ tán; máy bay trực thăng được huy động để kêu gọi tàu thuyền và người dân ở các khu vực xa bờ nắm được thông tin. Các địa phương nằm trong đường đi của cơn bão số 16 đã cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án phòng chống đến từng địa bàn, đơn vị; cơ bản đã gia cố, chằng chống nhà cửa./.

Một số tuyến đê biển mới được củng cố, tu bổ chống với bão cấp 9, triều 5%, với tổng chiều dài 276 km (tổng số 774km bờ biển) thấp hơn cường độ bão đổ bộ; hiện có 23 vị trí trọng điểm xung yếu từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục