Thủ tướng Đức đề xuất thiết lập vùng an toàn ở Idlib của Syria

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin ngày 3/3, Thủ tướng Đức Merkel đã đề xuất thiết lập một vùng an toàn ở Idlib nhằm bảo vệ và cứu trợ cho người tị nạn Syria.
Thủ tướng Đức đề xuất thiết lập vùng an toàn ở Idlib của Syria ảnh 1Các tay súng nổi dậy Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nã súng phòng không nhằm vào các lực lượng Chính phủ Syria tại thị trấn Sarmin, thuộc tỉnh Idlib ngày 24/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Để cải thiện tình hình nhân đạo tại tỉnh Idlib của Syria, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị thiết lập một vùng an toàn ở tỉnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin ngày 3/3, Thủ tướng Merkel đã đề xuất thiết lập một vùng an toàn ở Idlib nhằm bảo vệ và cứu trợ cho người tị nạn Syria.

Bà bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ việc thiết lập vùng an toàn cho hàng trăm nghìn người tị nạn ở vùng Tây Bắc Syria, đồng thời cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở Idlib, nhấn mạnh cần có một lệnh ngừng bắn, một khu vực được bảo vệ an toàn cho hàng trăm nghìn người chạy về phía biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

[Lãnh đạo Nga và Đức điện đàm về chiến sự Idlib ở Syria]

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cùng ngày đã ủng hộ cách xử lý cứng rắn của Hy Lạp để ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn tràn vào biên giới châu Âu.

Ông Seehofer kêu gọi duy trì Thỏa thuận về kiềm chế người tị nạn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, không để lặp lại kịch bản như hồi năm 2015 khi hơn 1 triệu người tị nạn tràn vào châu lục này. Ông nhấn mạnh khi biên giới ngoài châu Âu không được bảo vệ, chính sách tị nạn của châu Âu cũng sẽ không thể vận hành và điều này sẽ gây phương hại rất lớn cả về chính trị và tài chính cho châu Âu.

Bộ trưởng Đức cũng khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức cho chính quyền Athens trong việc ngăn chặn người tị nạn ở biên giới Hy Lạp, cũng là biên giới ngoài của châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch đảng đoàn Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Alexander Dobrindt cảnh báo Đức không nên gửi tín hiệu gây hiểu nhầm cho người tị nạn Syria. Ông nêu rõ rằng cần phải giúp những người tị nạn hiểu rằng họ không có cơ hội đến Đức.

Trong một diễn biến khác liên quan, theo phóng viên TTXVN tại New York, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock ngày 3/3 cho biết các hoạt động cứu trợ nhân đạo tạ Syria đã bị quá tải do có gần 1 triệu người đã chạy trốn khỏi bạo lực ở phía Tây Bắc Syria trong thời gian gần đây

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra nhận định trên sau khi cùng với các quan chức khác của Liên hợp quốc đánh giá các nỗ lực cứu trợ dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và tại tỉnh Idlib.

Theo ông Lowcock, việc phái đoàn gồm nhiều cơ quan của Liên hợp quốc tới Idlib là một bước quan trọng để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ đang diễn ra ở vùng Tây Bắc Syria. Đây là dịp để các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc có cơ hội thu thập thông tin trực tiếp, chi tiết về nhu cầu nhân đạo trên thực địa và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để bảo vệ dân thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.