Trong khuôn khổ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/4 đã có chặng dừng chân quan trọng tại Gaziantep, khu vực có một trại tị nạn lớn nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Tại đây, bà Merkel nhấn mạnh sự nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư.
Theo bà Merkel, những người tị nạn Syria được chào đón tại Thổ Nhĩ Kỳ và việc tiếp nhận tới 3 triệu người tị nạn cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có “đóng góp lớn nhất” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Thủ tướng Đức tuyên bố việc đào tạo cho những người tị nạn là hết sức quan trọng và Liên minh châu ÂU (EU) có thể hỗ trợ nhiều dự án trong lĩnh vực này, trên cơ sở thoả thuận về giải quyết vấn đề người tị nạn đã ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Chính phủ Đức đã đề cập lại đến sự cần thiết lập một vùng cấm bay ở khu vực miền Bắc Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ tốt hơn cho người tị nạn. Vấn đề này từng được bà Merkel nói đến lần đầu tiên vào hồi tháng 2/2016.
Cùng đi với bà Merkel còn có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Tại Gaziantep, ông Tusk nhấn mạnh thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp làm giảm đáng kể số người tị nạn vượt biển Aegean để đến châu Âu.
Tại buổi làm việc với bà Merkel và ông Tusk ở Gaziantep, Thủ tướng nước chủ nhà Ahmet Davutoglu cho rằng thỏa thuận về người di cư với EU đang cho thấy những thành công bước đầu.
Ông Davutoglu đề nghị Đức và EU tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc khủng hoảng bởi đây là vấn đề mang tính tập thể chứ không phải vấn đề riêng lẻ của từng quốc gia.
Nhà lãnh đạo Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời hối thúc EU thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục thị thực và tiến tới dỡ bỏ thị thực cho công dân nước này nhập cảnh vào EU như hai bên đã nhất trí./.