Ngày 26/10, Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi kêu gọi tăng cường hợp tác với Jordan trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu tại các cuộc hội đàm với Quốc Vương Jordan Abdullah II và Thủ tướng Abdullah Nsur nhân chuyến thăm Amman, ông Al-Abadi nhấn mạnh các lực lượng thánh chiến đang đặt ra mối đe dọa cho toàn khu vực, vì vậy việc tăng cường hợp tác giữa Baghdad và Amman là cần thiết để đập tan lực lượng này.
Về phần mình, Quốc Vương Abdullah II cũng cam kết Jordan sẽ hỗ trợ hết mình cho Iraq và liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.
Thủ tướng Nsur cũng cho biết Jordan mong muốn thấy một Iraq "hùng mạnh, không bị chia cắt, để có thể trở thành một điểm tựa cho các quốc gia Arab," đồng thời khẳng định sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để giúp Iraq lập lại an ninh.
Từ tháng 6 vừa qua, lực lượng IS đã chiếm nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq và một số nơi ở Syria. Tỉnh Anbar của Iraq, nằm ở biên giới với Jordan, hiện đã bị IS chiếm gần hết. Jordan cũng là một trong các nước tham gia các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu chống nhóm Hồi giáo thánh chiến này.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, chính quyền người Kurd ở Iraq cho biết các lực lượng người Kurd ở Iraq sẽ không trực tiếp tham chiến ở thị trấn biên giới Kobane của Syria, nhưng sẽ hỗ trợ pháo binh và vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria chống lại các phần tử thánh chiến của IS đang tấn công thị trấn này.
Trước đó, ngày 22/10, Hội đồng Khu tự trị người Kurd ở Iraq đã bỏ phiếu cho phép điều lực lượng vũ trang Peshmerga sang Syria chiến đấu chống IS tại thị trấn Kobane. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq, ông Safeen Dizayee nhấn mạnh: "Ở thời điểm hiện tại sẽ không có bộ binh" của người Kurd tham gia chiến đấu ở Kobane.
Theo ông Dizayee, các lực lượng người Kurd ở Iraq sẵn sàng lên đường tới Kobane, qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sau khi Ankara và người Kurd ở Syria nhất trí về thời gian biểu cho kế hoạch này.
Trước đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ cho phép các tay súng người Kurd ở Iraq sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để đến Kobane tham gia cuộc chiến nhằm bảo vệ thị trấn của Syria này. Việc giải phóng Kobane khỏi các phần tử thánh chiến IS có ý nghĩa chính trị lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với việc Ankara từ chối can thiệp, và điều này đe dọa làm chệch hướng tiến trình hòa bình giữa chính phủ với các lực lượng người Kurd đòi ly khai.
Kể từ khi các tay súng IS tấn công Kobane hôm 16/9 vừa qua, hơn 800 người, trong đó có 21 dân thường, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại thị trấn biên giới này. Khoảng 200.000 người đã phải bỏ nhà cửa sang tị nạn tại nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ./.