Thủ tướng Liban Saad al-Hariri ngày 18/10 đã đặt ra thời hạn 3 ngày cho Chính phủ để ủng hộ các cải cách quan trọng, trong bối cảnh các cuộc biểu tình trên cả nước phản đối tình hình kinh tế suy giảm đã bước sang ngày thứ hai.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng al-Hariri tuyên bố đưa ra một "thời hạn chót rất ngắn" trong 72 giờ.
Ông al-Hariri nhấn mạnh "các đối tác" trong chính phủ liên minh cần phải đưa ra một phản ứng rõ ràng, quyết đoán và cuối cùng để thuyết phục ông cũng như người dân Liban và cộng đồng quốc tế rằng "tất cả mọi người đã quyết định cải cách, ngăn chặn tình trạng lãng phí và tham nhũng," nếu không ông sẽ có một cách tiếp cận khác.
Nhà lãnh đạo Liban cho biết nước này đang trải qua một "giai đoạn khó khăn chưa từng có," song các nỗ lực nhằm ban hành cải cách đã bị các quan chức trong chính phủ ngăn cản.
Ông nói sự giận dữ hiện nay xuất phát từ điều kiện sống tồi tệ nhưng cũng là do cách hành xử của các đảng phái.
Ông cho biết ông đã mất nhiều năm để tìm ra những "giải pháp thực tế" để giải quyết tình hình kinh tế đất nước và ông đã mất nhiều tháng chờ đợi các đối tác trong chính phủ và đất nước ủng hộ.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình trên khắp Liban phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ tiếp tục diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn người sau khi chính phủ nước này quyết định áp thuế đối với các ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên điện thoại trên Internet.
Đây là lần thứ hai bùng phát làn sóng biểu tình trên cả nước tại Liban trong tháng 10 và được coi là làn sóng biểu tình lớn nhất nước này trong nhiều năm qua.
[Ngành khai thác dầu và khí đốt của Liban hút các công ty Nga, EU]
Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi chính phủ bắt đầu thảo luận kế hoạch áp thuế nhiên liệu, thuốc lá, các ứng dụng gọi điện thoại và nhắn tin như WhatsApp hay Viber, và một số hàng hóa đắt tiền, qua đó tăng thuế giá trị gia tăng, đem thêm nguồn thu cho ngân sách năm 2020.
Ngày 17/10, một bộ trưởng trong chính phủ đã thông báo kế hoạch áp mức phí mới 20 cent/ngày với các ứng dụng gọi điện trên Internet.
Tuy nhiên, sau khi làn sóng phản đối gia tăng, Bộ trưởng Viễn thông Mohamed Choucar cho biết kế hoạch này đã bị thu hồi.
Kể từ tháng 7/2019, Chính phủ Liban đã tiến hành loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà nước này kỳ vọng sẽ cứu nền kinh tế đang tụt dốc, đồng thời nhằm được hưởng khoản vay trị giá 11 tỷ USD, vốn đạt được với các chủ nợ quốc tế hồi năm ngoái.
Bộ Tài chính Liban cho biết nợ công đang ở mức 86 tỷ USD, cao hơn 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Trước tình hình bất ổn ở Liban, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 18/10 đã kêu gọi công dân không tới Liban, đồng thời khuyến cáo công dân nước này đang ở Liban phải hết sức thận trọng và gọi ngay cho Đại sứ quán Saudi Arabia tại Beirut khi cần./.