Thủ tướng Liban Saad Hariri sẽ về nước trong tuần tới

Thủ tướng Liban Saad Hariri cùng vợ là bà Lara Hariri đang có chuyến thăm Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và sẽ về nước vào Ngày Độc lập 22/11.
Thủ tướng Liban Saad Hariri sẽ về nước trong tuần tới ảnh 1Ảnh Thủ tướng Liban Saad Hariri trên một đường phố ở thủ đô Beirut ngày 17/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Văn phòng Tổng thống Liban ngày 18/11 ra thông cáo cho biết Thủ tướng nước này Saad Hariri sẽ về nước vào Ngày Độc lập 22/11. Ông Hariri đã ra nước ngoài kể từ khi thông báo từ chức cách đây 2 tuần và không về nước trong suốt thời gian này.

Hiện ông cùng vợ là bà Lara Hariri đang có chuyến thăm Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có ý định làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng chính trị có thể nảy sinh tại Liban.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Liban Michel Aoun sau khi đến Pháp, ông Hariri đã thông báo kế hoạch sẽ về nước dự các hoạt động kỷ niệm Ngày Độc lập của Liban.

Trong một dòng trạng thái trên Twitter trước khi tới Pháp, ông Hariri viết: "Nếu nói tôi bị giam lỏng tại Saudi Arabia và không được phép rời nước này là dối trá."

[Thủ tướng Liban Saad al-Hariri chuẩn bị rời Saudi Arabia]

Một nguồn tin cho biết trước khi lên đường sang Paris, ông Hariri đã có cuộc hội đàm "tuyệt vời, hiệu quả và trên tinh thần xây dựng" với Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.

Thủ tướng Hariri có 2 quốc tịch Liban và Saudi Arabia, trước đây nhận được sự ủng hộ của Riyadh. Ngày 4/11, ông đã tuyên bố từ chức với lý do bị đe dọa tính mạng.

Tuy nhiên, Tổng thống Aoun cho biết không chấp nhận đề nghị từ chức trên cho tới khi Thủ tướng về nước giải quyết vấn đề. Ý định từ chức của ông Hariri cho thấy sự leo thang trong cuộc đấu đá tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái Sunni và Shiite ở nước này.

Trước khi ông Hariri sang Pháp, Tổng thống Aoun đã bày tỏ hy vọng đây sẽ là "sự khởi đầu cho một giải pháp." Hiện chưa có thông tin gì về các kế hoạch của ông Hariri sau chuyến thăm Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Macron từng để ngỏ khả năng ông Hariri có thể về nước để chính thức tuyên bố từ chức hoặc xem xét lại quyết định này.

Sự can dự của Pháp là nỗ lực mới nhất của châu Âu nhằm hóa giải căng thẳng tại Liban, nơi luôn tồn tại chia rẽ giữa nhóm Sunni của ông Hariri với nhóm Hezbollah theo dòng Shiite.

Cha của ông Hariri - cựu Thủ tướng Rafik Hariri đã bị ám sát năm 2005 trong một vụ đánh bom xe được cho là do Hezbollah tiến hành. Năm 2016, ông Hariri đã đứng đầu một chính phủ đoàn kết trong đó có đại diện của phong trào Shiite này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/11, Riyadh đã triệu hồi Đại sứ của mình tại Berlin nhằm phản đối bình luận của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng việc ông Hariri đề nghị từ chức là làm theo lệnh của Saudi Arabia.

Theo một nguồn tin thân cận với Thủ tướng Hariri, 2 người con út của ông là Loulwa và Abdellaziz, sinh năm 2001 và 2005, đang ở Riyadh (Saudi Arabia) để làm "bài kiểm tra ở trường". Người con trai lớn Housam, sinh năm 1999, sẽ đến Paris từ London (Anh)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.