Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khai mạc Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2021 vào tối muộn ngày 12/11 theo giờ địa phương với tuyên bố tái khẳng định niềm tin vào hợp tác đa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong vai trò Chủ tịch APEC năm 2021, bà Ardern nhấn mạnh đến những thách thức gây ra bởi đại dịch COVID-19 và lợi ích của sự phối hợp ứng phó của tất cả các nền kinh tế thành viên.
Thủ tướng Ardern cho rằng mỗi nền kinh tế trong khu vực APEC đều trải qua tình hình dịch COVID-19 khác nhau và ứng phó với dịch bệnh theo những cách riêng, tùy theo điều kiện của mỗi quốc gia.
Nhưng tất cả đều đối mặt với các vấn đề cơ bản giống nhau, bao gồm thúc đẩy tiêm chủng, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người dân, bảo đảm đi lại an toàn giữa các quốc gia, và phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bao trùm.
Thủ tướng Ardern bày tỏ bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để tái khẳng định niềm tin vào sức mạnh của Diễn đàn, của việc hợp tác đa phương giúp tất cả các nền kinh tế thành viên giải quyết các thách thức to lớn nhất.
Bà nhấn mạnh Hội nghị cấp cao APEC lần này cũng sẽ là cơ hội để định hướng cho việc xây dựng môt tương lai cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và các nền kinh tế thành viên mang đến cơ hội cho tất cả mọi người, cùng nhau thực hiện một cuộc chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu và khai thác tiềm năng công nghệ số.
[APEC cần tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu]
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC sẽ trao đổi quan điểm về hiện trạng của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, và trong bối cảnh đó, làm thế nào các nền kinh tế thành viên có thể tăng cường hợp tác thông qua APEC để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ chia sẻ những thách thức và cơ hội quan trọng trong một thế giới hậu đại dịch và cách đảm bảo tất cả các nền kinh tế có thể chia sẻ các lợi ích hiện nay và trong tương lai.
Một trọng tâm khác của hội nghị sẽ là thúc đẩy mục tiêu chung về chống biến đổi khí hậu và lồng ghép các hành động trong khuôn khổ APEC, bao gồm các hoạt động về tài chính, cải cách cơ cấu, phát triển kỹ năng, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thương mại.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo sẽ xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và tăng cường năng lực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trong việc thúc đẩy phục hồi bền vững và toàn diện cho khu vực.
Theo chương trình nghị sự của hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ thông qua kế hoạch hiện thực hóa tầm nhìn của APEC về một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040./.