New Zealand kêu gọi các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp cùng hợp tác

Tại APEC 2021, Thủ tướng New Zealand khẳng định cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để tạo tiền đề cho sự phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch.
New Zealand kêu gọi các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp cùng hợp tác ảnh 1Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp cùng hợp tác để thúc đẩy phục hồi mạnh mẽ, công bằng và bền vững sau đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, trong bài phát biểu quan trọng trước các doanh nghiệp toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2021, hội nghị doanh nghiệp lớn nhất của khu vực diễn ra ngay trước Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo các nền kinh tế APEC, bà Ardern thừa nhận các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt với quy mô tác động của đại dịch, sự bất bình đẳng mà nó gây ra ảnh hưởng đến con người và nhiều thách thức khác.

Nhưng khi thế giới đang từng bước vượt qua đại dịch, các quốc gia lại đang đứng trước các lựa chọn trong việc ứng phó với những thách thức kinh tế trước mắt.

Thủ tướng New Zealand khẳng định, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch, điều quan trong là cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để tạo tiền đề cho sự phục hồi công bằng, toàn diện và bền vững, đầu tư vào con người và hành tinh của chúng ta thông qua các ý tưởng đổi mới và quyết tâm đổi mới.

[APEC 2021: Các bộ trưởng cam kết hỗ trợ phục hồi kinh tế]

Bà nêu ra ba lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp có thể cùng hợp tác để đạt được sự phục hồi kinh tế và vượt qua những cú sốc kinh tế trong tương lai.

Lĩnh vực thứ nhất là phát huy hiệu quả và năng suất thông qua đổi mới kỹ thuật số mang lại. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, quá trình chuyển đổi số đã được đẩy nhanh nhiều năm.

Lĩnh vực thứ hai là bảo đảm quá trình phục hồi mang tính bao trùm. Nơi làm việc và các doanh nghiệp phải tiếp nhận tất cả mọi người trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và người dân bản địa, những người làm việc hiệu quả và có nhiều đóng góp nhưng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Lĩnh vực thứ ba cần tăng cường hợp tác kinh doanh và chính trị là bảo đảm tính bền vững về môi trường.

Thủ tướng Ardern cho rằng một trong những tiến bộ mà APEC đã đạt được trong năm nay là bắt đầu đảo ngược chính sách áp dụng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch gây ra suy thoái môi trường nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo bà Ardern, việc giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống như trên sẽ đòi hỏi sự hợp tác kinh doanh và chính trị cao hơn nữa.

Bà Ardern nêu rõ: “Chúng ta đang có một cơ hội để thiết lập lại nền kinh tế ở quy mô chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Để tạo ra sự thay đổi to lớn này trong thời điểm đầy thử thách như hiện nay đòi hỏi sự can đảm từ tất cả chúng ta, các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.”

Bà khẳng định, các nhà lãnh đạo APEC sát cánh với cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo mọi người đều có cơ hội vượt qua đại dịch và mạnh mẽ hơn trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.