Sáng 9/4, tại Hải Dương, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới." Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức.
Dự buổi đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân Việt Nam còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan.
Chế biến sản phẩm là khâu quan trọng để điều tiết thị trường
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chưa bao giờ nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều thành quả to lớn như hiện nay do thị trường đã ổn định, xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, đời sống nông dân tốt hơn. Thủ tướng đặt ra nhiều câu hỏi tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%?... Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, Chính phủ và nhân dân phải tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để phát triển nền nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Trả lời câu hỏi của nông dân Tăng Xuân Trường ở Gia Lộc, Hải Dương về tình trạng được mùa, rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra dẫn đến dư thừa nông sản; việc liên kết, thành lập hợp tác xã đã được Nhà nước chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hoạt động sản xuất nông nghiệp cần phải quy hoạch theo từng vùng, phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương. Trước khi gieo hạt, người nông dân cần phải tính “sản xuất bao nhiêu và bán cho ai" để việc tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao.
Thủ tướng nêu rõ, nhiều năm nay, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm thị trường cho nông sản Việt Nam, các doanh nghiệp, nông dân cần tự điều chỉnh khâu sản xuất theo tín hiệu của thị trường; “phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng”. Cùng với đó, Thủ tướng đề cập đến tầm quan trọng của khâu chế biến với vai trò điều tiết thị trường. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tích cực xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng
Nhiều nông dân cho rằng, cái khó của các Hợp tác xã hiện nay là sản xuất ra hàng chất lượng cao nhưng khi bán, giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được hàng giả, hàng thật. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý thị trường, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp để “các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt được bán với đúng giá trị thực trên thị trường”.
Được Thủ tướng chỉ định trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
[Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp: Đi tìm cách tiếp cận hợp lý]
Phân tích về vấn đề quản lý phân bón, cây, con giống và vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giống lúa Việt Nam là đứng đầu thế giới, nhóm cây công nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chỉ có một vài loại giống hiện đang yếu như cây quả, cây hoa và rau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh mở rộng thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, khoa học tại Việt Nam áp dụng cơ chế mới phối hợp với doanh nghiệp, nông dân, cơ sở sản xuất nhằm đưa nhanh nghiên cứu vào đời sống.
Giải đáp nỗi lo của người nông dân trước nỗi lo vấn nạn phân bón giả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để tăng cường quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm trong việc kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thời gian qua, các Bộ, ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Gỡ bài toán vốn cho sản xuất nông nghiệp
Tại buổi đối thoại, các nông dân, doanh nghiệp cho biết, một yếu tố khó khăn nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là vốn. Nhiều hộ gia đình, muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh phải vay vốn ngân hàng, thậm chí có lúc phải vay tín dụng đen với lãi xuất rất cao. Người nông dân kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn.
Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người nông dân, thậm chí hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn Ngân hàng Nhà nước lập tức bơm vốn. Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nông dân khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là tính minh bạch của thông tin chưa đảm bảo. Trên thực tế, rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã cấp 600 tỷ cho hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2018, Bộ Tài Chính đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung kinh phí cho Quỹ và đề nghị Hội Nông dân Việt Nam phân cấp cho các đơn vị ngành dọc trong quá trình triển khai các dự án để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn
Bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của bà con nông dân tại buổi đối thoại cũng như những phần giải đáp cụ thể, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, kết luận buổi đối thoại đặc biệt với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông thôn là mặt trận quan trọng cần được đầu tư, phát triển.
Chia sẻ tầm nhìn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Việc xây dựng nông thôn cần hướng đến xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.
Cùng với đó là tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng lực lượng nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sâu sát, phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và địa phương tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay; giảm lãi xuất cho vay từ 0,5 đến 1%. Các cơ quan có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp và mở rộng thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước./.