Thủ tướng Pháp kêu gọi cắt giảm thuế để đối phó với làn sóng biểu tình

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết người dân Pháp đã bày tỏ sự bất bình về gánh nặng thuế, muốn có tiếng nói trực tiếp hơn trong vấn đề điều hành đất nước và hành động chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu tại sự kiện công bố những kết quả đầu tiên của các cuộc tranh luận toàn quốc ở Paris, Pháp, ngày 8/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe phát biểu tại sự kiện công bố những kết quả đầu tiên của các cuộc tranh luận toàn quốc ở Paris, Pháp, ngày 8/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Pháp cần thực thi các biện pháp cắt giảm thuế táo bạo là lời kêu gọi của Thủ tướng Edouard Philippe đưa ra ngày 8/4, sau khi các cuộc tranh luận được tiến hành trên cả nước trong bối cảnh làn sóng biểu tình của phong trào "Áo vàng" làm chao đảo chính quyền trong nhiều tuần qua.

Phát biểu tại sự kiện công bố những kết quả đầu tiên của các cuộc tranh luận toàn quốc được khởi động hồi tháng Một, Thủ tướng Philippe cho biết người dân Pháp đã bày tỏ sự bất bình về gánh nặng thuế.

Ông Philippe nêu rõ: "Các cuộc tranh luận cho thấy rất rõ ràng con đường mà chúng ta phải đi. Chúng ta cần phải giảm các loại thuế, và thực hiện việc này nhanh hơn."

Ngoài vấn đề thuế, Thủ tướng Philippe cho biết có nhiều vấn đề khác nổi lên trong các cuộc tranh luận. Cụ thể, người dân Pháp muốn có tiếng nói trực tiếp hơn trong vấn đề điều hành đất nước và hành động chống biến đổi khí hậu.

Các cuộc biểu tình của lực lượng "Áo vàng" bùng phát vào trung tuần tháng 11/2018, ban đầu với mục đích là phản đối tăng thuế nhiên liệu nhưng sau đó đã biến thành làn sóng phản đối các chính sách của Tổng thống Macron.

[Pháp: Hàng nghìn người biểu tình "Áo vàng" tiếp tục xuống đường]

Ông Macron lên nắm quyền điều hành nước Pháp hồi tháng 5/2017 với cam kết thực hiện các biện pháp cải cách có lợi cho doanh nghiệp cũng như đã chú trọng cắt giảm thuế đối với các công ty và người lao động có thu nhập cao trong nỗ lực tăng đầu tư và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Dự kiến, Tổng thống Macron sẽ công bố các chính sách mới trong bài diễn văn vào giữa tháng này.

Cuộc tranh luận toàn quốc được tiến hành nhằm xoa dịu sự bất bình của dư luận, với 10.000 cuộc tiếp xúc diễn ra ở các khu vực cộng đồng trên khắp nước Pháp và khoảng 2 triệu ý kiến đóng góp qua mạng.

Tổng thời gian mà Tổng thống Macron tham gia các cuộc tiếp xúc ở địa phương là gần 100 giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, nhiều người biểu tình "Áo vàng" cho rằng các cuộc tranh luận trên chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận.

Theo kết quả khảo sát của Delabre công bố ngày 4/4 vừa qua, 68% số người tham gia khảo sát cho biết họ không nghĩ rằng các cuộc tranh luận này xem xét tới quan điểm của người dân, trong khi 79% không tin rằng các cuộc tranh luận có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện tại ở nước này.

Trước khi kết quả của các cuộc tranh luận này được công bố, cuối tuần qua, hàng nghìn người biểu tình "Áo vàng" tiếp tục xuống đường bày tỏ phản đối các chính sách của Chính phủ Pháp.

Đây là tuần thứ 21 liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Pháp là nước có mức thuế cao nhất trong số các quốc gia phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.