Thủ tướng: Sớm chấm dứt quy hoạch treo 20 năm qua của Đại học Đà Nẵng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Đại học Đà Nẵng đi đầu trong xu hướng tự chủ đại học và đặc biệt cần sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch treo 20 năm qua.
Thủ tướng: Sớm chấm dứt quy hoạch treo 20 năm qua của Đại học Đà Nẵng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm xưởng thực hành cơ khí của trường Đại học Bách khoa thuộc trường Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã tới thăm một số đơn vị thành viên và làm việc với Đại học Đà Nẵng, trung tâm giáo dục-đào tạo quy mô lớn có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Đại học Đà Nẵng là đại học duy nhất ở miền Trung-Tây Nguyên đào tạo kỹ sư đa ngành và cũng là nơi có nhiều kinh nghiệm nhất trong đào tạo cán bộ quản lý kinh tế trong khu vực.

Các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã cung cấp lực lượng cán bộ trọng yếu cho hầu hết các ngành kinh tế và quản lý Nhà nước. Đến nay, Đại học Đà Nẵng có các đơn vị thành viên Đại học Bách khoa; Đại học Kinh tế; Đại học Sư phạm; Đại học Ngoại ngữ; Cao đẳng Công nghệ; Cao đẳng Công nghệ thông tin; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum; Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh và 16 Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ.

Các cơ sở của Đại học Đà Nẵng được xây dựng trên sáu khuôn viên tại Đà Nẵng và thành phố Kon Tum với tổng diện tích mặt bằng trên 60ha. Hai dự án phát triển Đại học Đà Nẵng đang được triển khai xây dựng dự án Làng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý-Điện Ngọc với diện tích 300ha và dự án Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum với diện tích 100ha.

Dự án mở rộng mặt bằng khuôn viên Trường Đại học Bách khoa với diện tích 80ha đang được thiết lập. Giảng đường của các trường thành viên đủ chỗ học cho hơn 90.000 sinh viên.

Hiện tại Đại học Đà Nẵng có trên 60.000 sinh viên (chính quy và không chính quy, đại học và sau đại học), 1.600 cán bộ giảng dạy và phục vụ giảng dạy, thực hiện đào tạo 12 chuyên ngành tiến sỹ, 20 chuyên ngành thạc sỹ, 70 chuyên ngành đại học, 20 chuyên ngành cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

Nắm bắt cơ hội để phát triển

Nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi làm việc nhằm hoàn thiện chủ trương, chính sách đổi mới cải cách giáo dục bậc đại học của Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trở lại thăm Đại học Đà Nẵng, chứng kiến sự trưởng thành của cơ sở đào tạo đại học lớn nhất vùng.

Thủ tướng đánh giá qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Đại học Đà Nẵng đã trở thành nơi cung cấp cán bộ quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước và miền Trung-Tây Nguyên, trong đó có nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo, nhiều thế hệ kỹ sư, kỹ thuật viên lành nghề. Điều đáng mừng là sinh viên, học viên tốt nghiệp, đa số đều nhận được việc làm với tỷ lệ lên đến 70%. Đại học Đà Nẵng đã đi đúng hướng, trở thành Đại học trọng điểm quốc gia và vươn lên đẳng cấp khu vực và quốc tế, Thủ tướng nhận định.

Chỉ ra những tồn tại cần khắc phục trong tiến trình phát triển của nhà trường, Thủ tướng nhận định dù quy mô đào tạo lớn nhưng Đại học Đà Nẵng chưa thực sự có sức ảnh hưởng, lan tỏa rõ nét, chưa phát huy vai trò đầu tàu giáo dục miền Trung; chưa thể hiện được tầm vóc của một cơ sở trọng điểm giáo dục đại học quốc gia. Cơ sở vật chất còn manh mún, rải rác, công cụ dạy và học chậm được nâng cấp, hiện đại; chưa hình thành được một đô thị đại học, nghiên cứu ứng dụng phục vụ phát triển khu vực.

Đề cập đến những nhiệm vụ còn rất nặng nề của nhà trường trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Thủ tướng cho rằng bối cảnh này đang đặt ra cơ hội tốt ở cấp độ quốc gia, địa phương và một trường đại học, nếu không vượt qua được sẽ thụt lùi và lạc hậu.

Khẳng định Đảng, Nhà nước xác định giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, Thủ tướng mong muốn Đại học Đà Nẵng phát huy tinh thần khởi nghiệp và phải có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Trong tiến trình đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh sứ mệnh của Đại học Đà Nẵng cần bao trùm lên ba cấp độ: Tầm địa phương là khu vực miền Trung, khu vực quốc gia và quốc tế là khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

“Đại học Đà Nẵng phấn đấu trở thành môi trường giáo dục tiên tiến, hướng đến đẳng cấp ở tốp 50 đại học nghiên cứu ở châu Á đến năm 2035, dựa trên khả năng quy tụ con người xuất sắc và sự kết hợp hài hòa giáo dục tri thức cơ bản với nghiên cứu ứng dụng thực tế có tầm ảnh hưởng tích cực các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là miền Trung-Tây Nguyên,” Thủ tướng nói như vậy về tầm nhìn phát triển của Đại học Đà Nẵng.

Chính vì vậy, giá trị cốt lõi của Đại học Đà Nẵng là chất lượng; phục vụ cộng đồng; chuyên nghiệp, hiệu quả; sáng tạo và thực hiện, Thủ tướng nêu rõ.

Thông tin về xu hướng tự chủ đại học đang là xu hướng phát triển mới, ngày càng đi vào quỹ đạo trong nền giáo dục nước nhà, Thủ tướng mong Đại học Đà Nẵng đi đầu trong xu hướng này và đặc biệt cần sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch treo 20 năm qua.

Với tầm nhìn đó, Thủ tướng đồng ý đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với Đại học Đà Nẵng mà trước hết là tập trung phương án đền bù giải phóng mặt bằng để sớm có hình hài đô thị Đại học Đà Nẵng và đô thị đại học miền Trung Tây Nguyên tại Đà Nẵng, khắc phục sự chậm trễ thời gian qua.

Về cơ chế thực hiện định hướng này, Thủ tướng đề nghị Đại học Đà Nẵng giữ vững quy hoạch được phê duyệt trên cơ sở có sự điều chỉnh phù hợp; đồng thời nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là trong giải phóng mặt bằng. Nhà trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu đạt tỷ lệ 80% sinh viên ra trường trong vòng sáu tháng có thể tìm được việc làm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Đại học Đà Nẵng có trách nhiệm hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo đối với các trường đại học trong khu vực, bởi đó là một tiêu chí quan trọng của Đại học cấp vùng; tạo điều kiện cho các trường đại học trong vùng trở thành hành viên cua Đại học Đà Nẵng.

Thủ tướng: Sớm chấm dứt quy hoạch treo 20 năm qua của Đại học Đà Nẵng ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin thuộc Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tới thăm trường Cao đẳng Công nghệ, một đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng. Đây là một cơ sở đào tạo về kỹ thuật công nghệ theo hướng nghề nghiệp-ứng dụng, danh tiếng và uy tín tại thành phố. Trong chiến lược phát triển tổng thể của Đại học Đà Nẵng đến năm 2020, trường Cao đẳng Công nghệ sẽ được nâng cấp thành một trường Đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng.

Nhà trường đào tạo hệ chính quy và chính quy liên thông ở hai cấp học là cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó bậc cao đẳng gồm 17 ngành kỹ thuật, cơ khí và bậc trung cấp gồm chín ngành (Công nghệ Kỹ thuật Điện- Điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Truyền thông, Tin học ứng dụng, Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí Chế tạo, Công nghệ Kỹ thuật Ôtô-Máy kéo, Công nghệ Kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Nhiệt, Xây dựng Cầu đường và Xây dựng dân dụng và công nghiệp).

Thủ tướng cũng đã tới thăm Đại học Bách Khoa - một thành viên quan trọng thuộc Đại học Đà Nẵng. Đến nay, cơ sở này đã đào tạo được 45.000 kỹ sư, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh khu vực miền Trung. Từ quý 2/2016, Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Đại học Bách Khoa đã được các tổ chức kiểm định châu Âu và khu vực đánh giá đạt chuẩn khu vực và châu Âu. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt 92%. Trường đang phấn đấu tự chủ vào năm 2018.

Nói chuyện với thầy và trò Đại học Bách Khoa, Thủ tướng đánh giá cao những thành tích mà nhà trường đạt được trong 40 năm qua; nhất là chất lượng đào tạo tốt, thể hiện bằng sinh viên ra trường có việc làm đạt 92%. Thủ tướng cũng đánh giá cao đội ngũ giảng viên nhà trường với mục tiêu phấn đấu đưa số giảng viên là tiến sỹ đạt trên 50%.

Thủ tướng mong lãnh đạo nhà trường đoàn kết, phấn đấu, đưa thương hiệu của trường không chỉ có tên tuổi ở trong nước mà cả khu vực, trở thành nơi cung cấp nhân lực khoa học công nghệ ở khu vực và cả nước.

Biểu dương và ghi nhận tinh thần chủ động của Đại học Bách khoa với lộ trình để tự chủ hoàn toàn vào năm 2018, Thủ tướng cho rằng, đây là mô hình tốt có thể rút ra kinh nghiệm trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đại học trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục