Thủ tướng Sudan đề cao ý nghĩa của Thỏa thuận hòa bình Juba

Thủ tướng Abdallah Hamdok đánh giá thỏa thuận giữa chính phủ và các nhóm phiến quân sẽ giúp Sudan đi đúng hướng và củng cố quyết tâm của người dân Sudan tiếp tục con đường tới hòa bình.
Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok tại cuộc họp báo ở Khartoum. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/9, Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok tuyên bố Thỏa thuận hòa bình Juba giữa chính phủ chuyển tiếp và một số phong trào nổi dậy sẽ “tạo ra một Nhà nước Sudan mới và khắc phục những bất công trong quá khứ”, đồng thời mở đường cho công cuộc tái thiết quốc gia bằng cách vượt qua những thù hận từ các cuộc xung đột đẫm máu dưới thời Tổng thống Omar al-Bashir đã bị phế truất.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu với báo giới tại thủ đô Khartoum, Thủ tướng Sudan Hamdok nhấn mạnh: “Hòa bình vẫn là giấc mơ của người Sudan. Những gì đạt được trong giai đoạn đầu là một thành tựu lịch sử to lớn. Thỏa thuận giúp Sudan đi đúng hướng và củng cố quyết tâm của người dân Sudan tiếp tục con đường tới hòa bình."

Thủ tướng Hamdock cho biết, hai nhóm nổi dậy chủ chốt, gồm một bộ phận của Phong trào Giải phóng Sudan và một nhánh của Phong trào Giải phóng Nhân dân Bắc Sudan (SPLM-N) vẫn từ chối tham gia thoả thuận hòa bình này. Do đó, chính phủ Sudan vẫn đang tìm cách sớm tiếp xúc với hai nhóm này để đạt được hòa bình toàn diện, vì lợi ích của người dân.

Trong khi đó, Liên hợp quốc đánh giá thỏa thuận hòa bình nói trên sẽ giúp chấm dứt 17 năm xung đột khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng tại quốc gia Bắc Phi, đặc biệt là ở khu vực cực Tây Darfur. Giám đốc Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) khu vực Đông Phi và Đông Nam châu Phi Deprose Muchena, nhận định thỏa thuận này là "một tia hy vọng" cho hàng triệu người Sudan.

Chính phủ chuyển tiếp Sudan và 5 nhóm phiến quân đã ký kết tổng cộng 8 giao thức cấu thành một hiệp định hòa bình gồm an ninh, quyền sở hữu đất đai, tư pháp chuyển tiếp, chia sẻ quyền lực, bồi thường, phát triển khu vực du mục, chia sẻ tài sản, hồi hương người tị nạn và những người buộc phải rời bỏ nhà cửa vì giao tranh. 

Thỏa thuận trên cũng quy định các phong trào vũ trang cuối cùng sẽ phải giải giáp vũ khí, trong khi các tay súng sẽ phải gia nhập quân đội quốc gia. Lực lượng này sẽ được tổ chức lại để đại diện cho mọi thành phần của người dân Sudan.

Ước tính hơn 300.000 người đã thiệt mạng và 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn sau cuộc xung đột ở vùng Darfur vào năm 2003. Hiện khu vực Nam Kordofan và Blue Nile vẫn thuộc Sudan trong khi Nam Sudan tách ra, tuyên bố độc lập vào năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục