Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cải thiện quan hệ với Armenia

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu kêu gọi "sự khởi đầu mới" trong mối quan hệ giữa nước này với nước láng giềng Armenia vốn đang gặp trở ngại từ các tranh cãi lịch sử.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi cải thiện quan hệ với Armenia ảnh 1Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. (Nguồn: AFP)

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 20/1 đã kêu gọi "sự khởi đầu mới" trong mối quan hệ giữa nước này với quốc gia láng giềng Armenia, vốn còn bị bao phủ bởi những tranh cãi lịch sử liên quan đến các vụ thảm sát hàng loạt trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Trong một tuyên bố kỷ niệm 8 năm vụ sát hại ông Hrant Dink, Tổng biên tập tờ tuần san song ngữ (Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia), Agos, có trụ sở tại Istanbul, ông Davutoglu nói: "Chúng tôi kêu gọi tất cả người Armenia và những người tin vào mối quan hệ thân thiện Thổ Nhĩ Kỳ-Armenia đóng góp cho một sự khởi đầu mới giữa hai nước."

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia luôn gặp phải trở ngại do Armenia cáo buộc quân Thổ dưới thời Đế chế Ottoman tiến hành cuộc diệt chủng chống lại tổ tiên của họ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, theo đó khoảng 1,5 triệu người Armenia đã bị sát hại và lưu đầy.

Amernia đòi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức công nhận trách nhiệm và xin lỗi về vụ thảm sát này để "giải tỏa gánh nặng lịch sử."

Tuy nhiên, Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối việc coi các vụ thảm sát này là tội ác diệt chủng và cho rằng cả hai nước đều chịu thương vong lớn khi các lực lượng Ottoman chiến đấu với quân đội của Nga Hoàng nhằm kiểm soát khu vực phía Đông Anatolia năm 1915.

Năm ngoái, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, khi đó còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, lần đầu tiên đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân bị sát hại cách đây gần một thế kỷ. Tuy nhiên, gần đây, ông Erdogan vẫn khẳng định sẽ kiên quyết chống lại việc gây sức ép buộc chính quyền Ankara phải công nhận đây là tội ác diệt chủng.

Cứ đến ngày 25/4 hàng năm, Armenia lại tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của nước này bị thảm sát dưới thời Đế chế Ottoman./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.