Thủ tướng: Xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai

Tính đến hết tháng Tư, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng; tổng thiệt hại về kinh tế là gần 3.183 tỷ đồng.
Thủ tướng: Xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện.

Tại đầu cầu Trung ương có sự tham dự của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban Thường trực, đại diện một số ban, cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội, một số nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ban, ngành liên quan và 689 đầu cầu các huyện.

Từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất trong 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế là gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ở mức báo động1-2, trên các sông suối nhỏ có thể ở mức báo động3, lũ sông Cửu Long muộn và ở mức báo động1-báo động 2.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Chung sức đồng lòng trong phòng, chống thiên tai

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng mà các cấp, các ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiên tai phức tạp, khó lường, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã có những chuyển biến rõ nét với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó nổi bật là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời.

"Khi thiên tai, sự cố lớn xảy ra, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chuyên môn ở địa phương đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc; kịp thời thăm hỏi, động viên, chăm lo chỗ ở, đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng xảy ra thiên tai, với tinh thần không để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau," Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, Thủ tướng cho rằng, công tác này đã đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, chất lượng dự báo mức độ chính xác hơn, sát thực tế hơn và thường xuyên được cập nhật, bổ sung để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó.

[Khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai]

Trong điều kiện ngân sách còn rất khó khăn, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi trên 10.300 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân, Thủ tướng chia sẻ.

Ngoài ra, công tác ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều giải pháp như túi chứa nước, thiết bị lọc nước được ứng dụng rộng rãi, chuyển tới người dân đã góp phần giảm thiểu cơn khát trong đợt hạn hán xâm nhập mặn kỷ lục vừa qua ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư đã đánh giá và chỉ ra công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, làm tốt hơn trong thời gian tới.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa kịp thời, toàn diện, thiếu tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm chưa rõ ràng. Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, bất cập; nguồn lực đầu tư còn thấp so với yêu cầu; công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập. Sự chủ động thích ứng của người dân còn hạn chế; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân, năng lực cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức.

Hướng tới các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (triển khai xây dựng Chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Chỉ thị). Tiếp tục rà soát, kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp từ trung ương đến cơ sở; đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương phải chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn để khi xảy ra thiên tai, sự cố, chủ động triển khai ứng phó, không chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý xây dựng phương án ứng phó với tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, công trình đê điều, hồ đập.

Các tỉnh miền núi, nhất là miền núi phía Bắc phải có phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất; các tỉnh miền Trung phải có phương án ứng phó với mưa lũ lớn gây ngập lụt diện rộng, chia cắt kéo dài; các tỉnh Tây Nguyên đề phòng ngập lụt cục bộ; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu lONG có phương án ứng phó với bão mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn (không để tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt xảy ra hằng năm).

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đồng thời có các chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là đầu tư cho hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập đặc biệt xung yếu có nguy cơ sự cố, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng khu tránh trú bão cho tàu thuyền.

Các ngành, địa phương nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là trong giám sát, dự báo thiên tai phục vụ tham mưu, chỉ đạo điều hành theo thời gian thực hiện. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Thủ tướng: Xây dựng phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là đối với 200 hồ đập xung yếu đã được xác định; rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức sản xuất với mùa vụ, cây trồng phù hợp diễn biến thiên tai, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là lúa gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng rà soát, hoàn thiện các kịch bản, phương án huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai, đặc biệt là ứng phó các tình huống thiên tai, mưa lũ lớn, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch; tổ chức huấn luyện, tập huấn và diễn tập theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục