Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Đây cũng là địa phương thuộc diện nghèo nhất cả nước với một nửa dân số thuộc diện hộ nghèo; trong đó có những đối tượng được xếp vào diện nghèo cùng cực, rất cần sự quan tâm hỗ trợ trong sản xuất và đời sống.
Do điều kiện địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh cùng với diện tích tự nhiên lớn, mật độ dân cư thấp và phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các thị trấn, thị xã và các vùng chuyên canh sản xuất lương thực tập trung nên việc đi lại giao lưu hàng hoá giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh Lai Châu với các địa phương khác của cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó cũng là trở ngại lớn trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tại địa phương này do đơn giá quá cao, suất đầu tư lớn, khả năng huy động và sự đóng góp của nhân dân hạn chế.
Hạ tầng giao thông là một hạn chế lớn của Lai Châu do đặc điểm địa hình một tỉnh vùng cao biên giới, núi đồi dốc, địa hình chia cắt, xen kẽ nhiều thung lũng sâu và hẹp, lại có nhiều cao nguyên, sông suối. Việc phát triển giao thông Lai Châu vướng phải nhiều trở ngại không chỉ về vốn, chi phí mà cả điều kiện thi công.
Mặc dù có một nửa dân số thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn mới nhưng theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2015, Lai Châu lại là địa phương có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian cao nhất cả nước, bằng 100,3% so với con số 100% của Hà Nội. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do điều kiện kinh tế, sản xuất và đi lại tại Lai Châu hết sức đặc thù, sản xuất tại chỗ không nhiều, phải vận chuyển từ xuôi lên, đường sá đi lại khó khăn, chi phí vận tải chiếm quá cao khiến giá các mặt hàng tăng.
Trong đợt rét đậm rét hại đầu năm 2016, Lai Châu là địa phương chịu thiệt hại lớn với diện tích cây trồng thiệt hại cao, số gia súc chết rét nhiều nhất so với bốn năm gần đây với hơn 2.400 con gia súc bị chết rét. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn khó khăn; tỷ lệ phòng học tạm còn cao, hiện toàn tỉnh vẫn còn đến gần 1.170 phòng học tạm, 185 phòng học nhờ; đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tại buổi làm việc, Lai Châu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trọng điểm Đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai với thành phố Lai Châu; phát triển thêm một số hạng mục cơ sở hạ tầng và kiên cố hóa trường học...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Lai Châu là địa phương có vị trí, điều kiện tự nhiên đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng, có đặc thù là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của cả nước.
Thủ tướng đánh giá trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lai Châu đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội; từng bước cải thiện thu nhập người dân với mức 18,2 triệu đồng/năm, thu ngân sách ở mức 1.360 tỷ.
Thủ tướng cho rằng Lai Châu có cách làm, phương pháp hiệu quả trong phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, làm cơ sở lâu dài để thực hiện xóa đói giảm nghèo; phát huy được một số mô hình, loại cây giống có hiệu quả như cao su, chè, cây công nghiệp.
Lai Châu cũng là địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu về độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường rừng. Công tác tái định cư thủy điện được triển khai tốt; thu hút đầu tư có hiệu quả và thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ gìn tình hữu nghị, đoàn kết với các địa phương giáp biên. Kết quả công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV, bầu cử Hội đồng Nhân dân được thực hiện tốt, hệ thống chính trị ổn định, vững mạnh.
Liên quan đến một số kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng chỉ đạo Dự án đường nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai với thành phố Lai Châu đã có nguồn vốn, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hơn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của Lai Châu, nhất là thực trạng đời sống người nông dân.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tùy theo lĩnh vực, chức năng được giao ưu tiên việc phối hợp, tạo điều kiện cho Lai Châu phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế, đảm bảo tốt quốc phòng, an ninh và các vấn đề an sinh xã hội./.