Những vườn bưởi thanh trà đặc sản xứ Huế bắt đầu vào mùa thu hoạch chính.
Năm nay, người trồng bưởi thanh trà trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế vui mừng vì được mùa, trĩu quả, hứa hẹn một vụ thu hoạch bội thu.
Từ giữa tháng Tám đến nay, nông dân tại phường Thủy Biều, thành phố Huế đang tất bật thu hoạch bưởi thanh trà. Gia đình ông Lê Văn Nhân, phường Thủy Biều có hơn 5.000m2 trồng cây bưởi thanh trà.
Để nâng cao thu nhập, gia đình ông đã áp dụng kỹ thuật và chăm sóc bưởi thanh trà theo chuẩn VietGAP. Nhờ vậy sản lượng, chất lượng và giá thành bưởi thanh trà cao hơn nhiều so với cách sản xuất truyền thống.
Trung bình mỗi cây bưởi thanh trà cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Ước tính vụ bưởi thanh trà năm nay đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 200-250 triệu đồng.
Ông Lê Văn Nhân cho biết năm nay mưa nhiều, thời tiết cơ bản thuận lợi cho sự phát triển của cây bưởi thanh trà, nên quả to và đẹp hơn. Sản lượng thanh trà tăng từ 20-30% so với mọi năm.
Bưởi thanh trà được chọn tại vườn có giá khoảng 40.000-45.000 đồng/kg. Bà con nông dân vui mừng vì vụ mùa năm nay bội thu so với ba năm trở lại đây, vì ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh.
Những ngày này, tại các nhà vườn ở phường Thủy Biều - vùng trồng bưởi thanh trà trứ danh xứ Huế, không khí mua bán cũng trở nên tấp nập, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua để cung ứng cho thị trường.
Bưởi thanh trà không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình và một số tỉnh phía Bắc.
Toàn phường Thủy Biều, thành phố Huế hiện có hơn 140ha bưởi thanh trà của khoảng 1.000 hộ dân. Cây bưởi thanh trà mang lại giá trị kinh tế cao, nếu so với các loại cây ăn trái khác, bưởi thanh trà cho giá trị kinh tế cao gấp 5-7 lần. Trung bình mỗi hecta bưởi thanh trà cho thu nhập từ 250-300 triệu/năm, cá biệt có trường hợp đạt 500-600 triệu/ha/năm.
[Phú Thọ xuất khẩu lô bưởi Đoan Hùng đầu tiên đi thị trường Nga]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thủy Biều, thành phố Huế Võ Đăng Thái cho biết bưởi thanh trà là cây trồng chủ lực của địa phương, chính quyền luôn đang quan tâm vận động bà con ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo quy trình chăm sóc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, địa phương cũng liên kết với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp để tìm hướng bảo tồn nguồn gen bản địa và phát triển cây thanh trà để nâng cao chất lượng và tăng giá trị đầu ra; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; tiến hành các giải pháp về bảo quản sau thu hoạch để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Hiện nay, phường đang tích cực chuẩn bị cho Lễ hội Thanh trà Thủy Biều lần thứ VII, năm 2022 diễn ra vào đầu tháng 9/2022, để kết nối đầu ra và nâng tầm thương hiệu cho thanh trà - sản phẩm kinh tế chủ lực của địa phương, mang đậm dấu ấn văn hóa Huế.
Bưởi thanh trà là một trong những cây ăn quả đặc sản nổi tiếng, đã tồn tại và phát triển từ lâu đời tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây cũng là một trong những phẩm vật cung tiến vua chúa triều Nguyễn xưa. Bưởi thanh trà cũng là loại quả đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế” vào năm 2008. Đặc biệt, năm 2014, "Thanh trà Huế" đã lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, là một trong 5 đặc sản Thừa Thiên-Huế xác lập kỷ lục châu Á.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 1.000ha bưởi thanh trà, được trồng tập trung những vùng phù sa, ven sông như các vùng Thủy Biều, thành phố Huế; xã Phong Thu, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, thị xã Hương Trà; xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy...
Để nâng tầm thương hiệu và giá trị cho bưởi thanh trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quy hoạch, mở rộng diện tích cùng các biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; nhân rộng các mô hình chế biến đặc sản từ loại quả này nhằm phát huy giá trị cây đặc sản.
Bà con nông dân trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ từ cây thanh trà, như phát triển du lịch sinh thái, mô hình homestay, chế biến rượu, làm mứt, món ăn từ trái thanh trà, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa tạo việc làm cho lao động tại địa phương./.