Lần đầu tiên bưởi Phúc Trạch lên gian hàng Việt trực tuyến quốc gia

Bưởi Phúc Trạch là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, đây cũng là tiền đề cho trái bưởi Phúc Trạch có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Lần đầu tiên bưởi Phúc Trạch lên gian hàng Việt trực tuyến quốc gia ảnh 1Hội nghị kết nối đưa Bưởi Phúc Trạch Hương Khê lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Công Thương vừa phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị xúc tiến tiêu thụ bưởi Phúc Trạch Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh” nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông đặc sản địa phương tại thị trường trong nước trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, kết nối với các điểm cầu tại cơ quan Trung ương cũng như địa phương bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình.

[Hà Tĩnh: Tìm giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ bưởi Phúc Trạch]

Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021 tổng diện tích trồng bưởi tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch là 2.593 ha, trong đó có 1.777 ha bưởi thời kỳ kinh doanh (cho quả); 160 doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và gần 2.800 hộ sản xuất; tổng sản lượng trên 21.000 tấn, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để mở rộng diện tích, tăng năng suất nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (tưới tiết kiệm, thụ phấn nhân tạo…); chú trọng sản xuất sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, GlobaGAP, hữu cơ), nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập các tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp.

Đặc biệt, bưởi Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi,” khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (Quyết định số 2180/QĐ-SHTT ngày 9/11/2010 của Cục Sở hữu trí tuệ). Đây cũng là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 01/8/2020.

Mùa bưởi Phúc Trạch năm nay có ý nghĩa lớn khi lần đầu tiên được Sở Công Thương Hà Tĩnh cùng với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) kết nối và tổ chức phân phối thông qua Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử lớn như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada hay Hatiplaza hoặc thông qua sự hỗ trợ từ các giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm của I-check và giải pháp tài chính số từ Ngân hàng VPBank.

[Cấp chứng nhận nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và 10 sản phẩm khác]

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết ở góc độ cơ quan Trung ương, Bộ Công Thương thời gian qua đã phối hợp với các Bộ ngành Trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều Chương trình, hoạt động tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ, tổ chức thêm nhiều kênh tiêu thụ, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản của các tỉnh, địa phương.

Ông Hưng đánh giá cao việc bưởi Phúc Trạch - đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh đã được công nhận là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ, đây cũng là tiền đề cho trái bưởi Phúc Trạch có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Với sự chung tay, chung sức của các cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp Thứ trưởng Cao Quốc Hưng tin tưởng rằng trái bưởi Phúc Trạch của tỉnh Hà Tĩnh sẽ có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố, có mặt trên các kệ hàng ở hệ thống các siêu thị, các chợ, hay trên các gian hàng của sàn thương mại điện tử và được chuyển tới được tay của người tiêu dùng Việt thuận lợi.

Để bưởi Phúc Trạch hay các sản phẩm nông sản của Hà Tĩnh mở rộng được kênh tiêu thụ trong giai đoạn dịch bệnh, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã hay các hộ nông dân của tỉnh Hà Tĩnh cần chủ động hơn nữa, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, ứng dụng thương mại điện tử, các giải pháp chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chuyển đổi mô hình quản lý và tiêu thụ sản phẩm, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.