Giải quyết 'điểm nghẽn' cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP.HCM

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, với hơn 1.300 đầu mối hiện có, khả năng cung cấp hàng hóa của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về thành phố có thể đạt trên 4.500 tấn/ngày.
Giải quyết 'điểm nghẽn' cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP.HCM ảnh 1Thanh niên tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh 'đi chợ hộ' người dân trong những ngày giãn cách xã hội 'ai ở đâu ở yên đó.' (Ảnh: TTXVN phát)

Năng lực sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm cho các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh - "điểm nóng" dịch COVID-19 vẫn luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, việc triển khai phân phối đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực và khâu vận chuyển, nên số lượng nông sản, thực phẩm đến được tay người dân còn hạn chế so với nhu cầu thực tế.

Nhu cầu tiêu thụ lớn

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, bình quân mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.964 tấn lương thực, thực phẩm các loại; trong đó, gồm 1.981 tấn gạo; 660 tấn lương thực chế biến khô (mỳ, bún, phở); 755 tấn thịt gia súc; 660 tấn thịt gia cầm; 236 tấn thực phẩm chế biến; 2,1 triệu quả trứng gia cầm.

Nhu cầu rau củ quả là 4.246 tấn; 236 tấn đường; 1,7 triệu lít; 189 tấn dầu ăn; 47 tấn muối và 79.865 lít nước chấm. Như vậy, tổng lượng lương thực thực phẩm mà người dân thành phố cần trong một tuần là 76.747 tấn, từ nay đến 15/9 là 164.460 tấn.

Trong khi đó, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố hiện chỉ cung ứng được phần nhỏ trong tổng nhu cầu. Cụ thể, sản lượng rau đáp ứng được khoảng 28%, sản lượng lợn hơi đáp ứng khoảng 11%, sản lượng trâu bò hơi đáp ứng khoảng 19,7%, sản lượng thủy sản đáp ứng khoảng 14%, sản lượng gia cầm chỉ đáp ứng khoảng 1,2% so với nhu cầu tiêu dùng. Còn lại phần lớn nông sản, lương thực, thực phẩm tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đều do các địa phương khác cung ứng.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết  để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân trên địa bàn, thành phố đã phát huy năng lực cung ứng cao nhất của các hệ thống phân phối sẵn có, bao gồm 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 28.700 cửa hàng tạp hóa, 27 chợ truyền thống và mạng lưới các cửa hàng cung ứng lương thực thực phẩm; các cơ sở chế biến; điểm bán hàng lưu động...

Từ ngày 23/8, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện “ai ở đâu ở yên đấy” và tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân qua phương thức “đi chợ hộ."

Tại 312 phường, xã, thị trấn thành lập Tổ hậu cần địa phương phối hợp với Tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ “đi chợ hộ” với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp cho khoảng 60% người dân.

Đối với khoảng 40% người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, thành phố tổ chức cấp phát các túi an sinh xã hội miễn phí cho người dân.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, để duy trì nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân thành phố trong thời gian giãn cách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Công Thương kết nối các hệ thống phân phối với các đầu mối cung ứng tiêu thụ nông sản của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Với hơn 1.300 đầu mối hiện có, khả năng cung cấp hàng hóa của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt trên 4.500 tấn/ngày.

[TP.HCM tạo điều kiện cho shipper đưa hàng hóa đến với người dân]

Song song với đó, nhằm góp phần giảm ùn ứ nông sản cho nông dân các tỉnh và giúp người dân thành phố tiếp cận gói combo 10kg nông sản giá bình dân, Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp triển khai thí điểm các gói combo 10kg nông sản và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, giảm áp lực cho lực lượng chức năng trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội.

Hiện nay, đã có 59 đơn vị đăng ký tham gia theo hình thức túi combo nông sản có trọng lượng 10kg với đơn giá từ 100.000 đồng trở lên (gồm các mặt hàng nông sản như rau ăn củ, rau ăn lá, trứng, gạo…), năng lực cung ứng đạt trên 170.000 túi/ngày.

Tiến sỹ Trần Minh Hải, thành viên Tổ Công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhu cầu đặt hàng nông sản, thực phẩm của người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách là rất lớn. Chỉ trong tuần đầu tiên triển khai túi combo nông sản đã bán được 37.000 combo, trung bình mỗi ngày tiêu thụ trên 300 tấn nông sản các loại.

Điển hình như ngày 24/8, giá trị đặt hàng các combo nông sản đạt 3,6 tỷ đồng, nhưng các đơn vị cung ứng chỉ giao được khoảng 10% số đơn hàng; ngày 30/8 đã có 41.000 gói combo (410 tấn nông sản) được vận chuyển đến các điểm có thể giao hàng tại các quận 7, quận 11, huyện Nhà Bè và thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Khắc phục điểm nghẽn

Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến, số lượng đặt hàng combo nông sản trong tuần tới sẽ tăng mạnh do đã liên kết được nhiều cơ quan Nhà nước tại các quận, huyện, các tổ đi chợ hộ của các phường/xã giúp các đơn vị này đặt hàng số lượng lớn trực tiếp từ các hợp tác xã.

Dự kiến sẽ có 2 đợt giao hàng combo số lượng lớn về Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/9 và 4/9 với trên 50.000 combo/ngày.

Theo ông Hiệp, mỗi ngày, Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn chỉ mới tổ chức “đi chợ hộ” được cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu và đảm bảo hoàn thành, đáp ứng nhu cầu của các hộ dân trong 5 ngày; sau đó, tiếp tục triển khai theo nhu cầu đăng ký của các hộ dân đến hết ngày 6/9.

Giải quyết 'điểm nghẽn' cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP.HCM ảnh 2Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ quận 3 đi chợ giúp dân. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh đang ở tuần thứ hai siết chặt giãn cách xã hội, nhu cầu mua lương thực thực phẩm được dự báo tiếp tục tăng thêm do nhiều gia đình đã dùng hết nguồn dự trữ. Do đó, tình trạng quá tải, ùn ứ đơn hàng của hệ thống phân phối và các đơn vị cung ứng combo sẽ nghiêm trọng hơn nếu không có giải pháp khắc phục sớm.

Ông Hiệp cho hay để việc kết nối tiêu thụ nông sản trong thời gian tới được thông suốt, cần nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm combo vì hiện tại website htx.cooplink.com.vn đã bị sập do quá tải.

Bên cạnh đó, với số lượng đặt hàng combo rất lớn nhưng các đơn vị cung ứng đang thiếu nhân lực để tiếp nhận, điều phối dẫn đến ùn ứ. Vì vậy, cần tăng cường nhân lực tham gia vào công đoạn chuẩn bị hàng và vận chuyển gồm bổ sung nhân viên làm việc tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, lực lượng đi chợ hộ và đội ngũ shipper giao hàng.

Nhằm giảm tải cho lực lượng đi chợ hộ, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và hướng dẫn người dân đặt hàng trực tuyến, tận dụng nền tảng kết nối sẵn có của các ứng dụng giao hàng như Grab, Loship, Gojek, Be, Shopee Food để đẩy nhanh tiến độ giao hàng.

Thêm vào đó, do hạn chế về việc vận chuyển liên quận, huyện nên các đơn vị cung ứng phải nhanh chóng thành lập tổng kho riêng cho từng khu vực, hỗ trợ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi chủ động đưa hàng về, giúp việc vận chuyển, giao hàng được nhanh chóng, thuận lợi.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) thông tin là doanh nghiệp có hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm rộng khắp ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, trong thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, Saigon Co.op đã chủ động tăng cường kết nối với các nguồn cung từ các địa phương để đảm bảo sản lượng hàng hóa.

Tuy nhiên, việc thu mua, phân phối trong giai đoạn giãn cách cũng gặp nhiều khó khăn do hầu hết các địa phương ở khu vực phía Nam đều giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lại thêm thiếu nhân công thu hoạch và vận chuyển, thiếu nhân lực thực hiện việc thu mua, phân phối, bao bì, đóng gói nên cũng ảnh hưởng đến công suất cung ứng sản phẩm cuối cùng.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị các địa phương có sản lượng nông sản lớn tích cực kết nối, hỗ trợ việc thu hoạch, thu mua của các đầu mối, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tránh tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ cho người nông dân địa phương.

Song song với đó, các địa phương tạo điều kiện các đơn vị cung ứng bao bì, sơ chế, đóng gói nông sản, thực phẩm hoạt động để giảm áp lực lên các đơn vị phân phối đầu cuối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục