Thừa Thiên-Huế khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp

Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu hút 143 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 92.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 25.000 lao động.
Thừa Thiên-Huế khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp ảnh 1Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thu hút thêm 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 430 tỷ đồng.

Đó là các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sợi 2 tại khu công nghiệp Phú Bài của Công ty cổ phần Vinatex Phú Hưng với tổng vốn đầu tư đăng ký 290 tỷ đồng.

Dự án còn lại là nhà máy sản xuất men frit tại khu công nghiệp Phong Điền của Công ty cổ phần men frit Hương Giang với vốn đầu tư 140 tỷ đồng.

Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thu hút 143 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 92.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 25.000 lao động.

Ngoài ra, còn có 1 dự án khác là nhà máy sản xuất sợi PE và găng tay công suất 800.000 tấn sợi và 10 tỷ sản phẩm găng tay/năm của Công ty Kanglongda Việt Nam.

Dự án này có vốn đăng ký 210 triệu USD, nay đã hoàn tất việc khảo sát và đang chờ các thủ tục để cấp phép đầu tư, diện tích thuê đất là 35ha tại khu công nghiệp Phong Điền.

Để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hoàn thiện hạ tầng tại các khu công nghiệp.

Hiện có 4/6 khu công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng với tổng vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng, vốn thực hiện chiếm khoảng 40%.

[Thu hút nguồn vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục]

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thực hiện việc thu hút đầu tư có chọn lọc; trong đó, chú trọng năng lực nhà đầu tư, tập trung các ngành nghề có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít sử dụng lao động và đảm bảo môi trường bền vững tại các khu công nghiệp.

Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường các dịch vụ tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đồng thời, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi bao gồm các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khung pháp lý hiện hành và ngày càng hoàn thiện.

Đối với các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp được thuê đất với mức ưu đãi như sau: Giá thuê đất có hạ tầng tại khu công nghiệp Phú Bài là 0,32 USD/m2/năm.

Giá thuê đất tại các khu công nghiệp khác được tỉnh tuỳ theo điều kiện hạ tầng được áp dụng mức giá sàn, thấp nhất theo qui định chung.

Về thuế, các cơ sở sản xuất thành lập trong khu công nghiệp được hưởng mức thuế suất 15% trong thời gian 12 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 7 năm tiếp theo.

Đối với các dự án đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng khu công nghiệp; dự án doanh nghiệp chế xuất được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động kinh doanh; được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Nhà đầu tư được hỗ trợ tối đa 30% kinh phí đào tạo nâng cao tay nghề lần đầu hoặc đào tạo lại khi thay đổi dây chuyền công nghệ cho công nhân trực tiếp sản xuất tại các trung tâm dạy nghề trong nước.

Trường hợp tự đào tạo theo hợp đồng chuyển giao công nghệ tại đơn vị hoặc phải gửi công nhân ra nước ngoài đào tạo, nhà đầu tư cũng được hưởng chính sách trên, nhưng mức hỗ trợ chỉ tương đương với mức hỗ trợ đào tạo tại các trung tâm dạy nghề trong nước…

Chủ tịch Tập đoàn Scavi (Pháp) Trần Văn Phú cho biết, khởi đầu từ một xưởng sản xuất nhỏ thu hút vài trăm lao động, đến nay Scavi Huế tại khu công nghiệp Phong Điền đã có 3 nhà máy may quy mô lớn, thu hút trên 7.000 lao động; dự tính cuối năm 2019 tập đoàn tiếp tục xây dựng nhà máy thứ 4.

Quỹ đất tại khu công nghiệp rộng rãi, hạ tầng đảm bảo nên ngoài việc xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, tập đoàn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà ở cho công nhân, trường mầm non và khu thể thao nhằm đảm bảo dân sinh và hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Tại khu công nghiệp Phú Đa, mặc dù, chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, song đến nay đã có 9 nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch, dệt may, đan sợi nhựa... với tổng vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng. Theo đó, có tới 4 nhà máy may của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sơn Hà, Hương Phú, Dệt may Huế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.