Thừa Thiên-Huế: Làng Rồng hồi sinh sau 20 năm từ trận lũ lịch sử

Nhắc đến trận lũ lịch sử năm 1999, người dân Thừa Thiên-Huế không thể quên câu chuyện về làng Rồng thuộc tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang với nhiều ký ức đau buồn.
Đập Hòa Duân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang nay đã được hàn khẩu trở thành tuyến Quốc lộ 49B. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Cách đây 20 năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trải qua một trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy cuốn theo dòng nước.

Nhắc đến trận lũ lịch sử năm 1999, người dân Thừa Thiên-Huế không thể quên câu chuyện về làng Rồng thuộc tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang với nhiều ký ức đau buồn nhưng cũng đầy sự khâm phục trước ý chí vươn lên của người dân biển nơi đây.

Đập Hòa Duân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang trước đây chỉ là một eo nhỏ với bề mặt rộng khoảng 15m, chiều dài khoảng vài trăm mét, nằm giữa khu đầm phá Tam Giang và biển Đông. Sinh sống trên thân đập thời điểm đó có 64 hộ dân với 274 nhân khẩu.

Chỉ trong một đêm, trận lũ xảy ra vào đầu tháng 11/1999 đã cuốn trôi tất cả nhà cửa, tài sản và 14 người dân sống trên đập Hòa Duân ra biển. Nước lũ đã “xóa sổ” con đập tạo thành một cửa biển lớn. Đây là thảm cảnh ám ảnh nhất của trận lũ lịch sử năm 1999 ở Thừa Thiên-Huế.

Nhớ lại trận lũ lịch sử này, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Mễ (giai đoạn 1995-2004), cho biết ngay từ khi nước lũ bắt đầu dâng đã vượt qua mọi suy nghĩ, kịch bản ứng phó lúc bấy giờ của địa phương. Chỉ trong sáng 1/11/1999, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bị cô lập, chia cắt bởi nước lũ.

Lượng mưa trên địa bàn tỉnh khi đó đạt kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Nước sông từ trên thượng nguồn dâng cao hơn so với mức bình thường từ 8-9m. Trung bình mỗi giờ đồng hồ ở khu vực hạ lưu, mực nước lại dâng cao thêm 1m khiến chính quyền và người dân không kịp trở tay ứng phó.

Nước lũ làm sạt lở núi, cuốn trôi cầu, khiến hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, hệ thống điện, thông tin liên lạc của tỉnh bị tê liệt. Lượng nước lũ khổng lồ từ thượng nguồn tràn về đã dẫn tới khu vực đầm phá Tam Giang mở ra nhiều cửa biển mới, trong đó có khu vực đập Hòa Duân.

Đập Hòa Duân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang nay đã được hàn khẩu trở thành tuyến Quốc lộ 49B. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, cho biết làng Rồng được ra đời sau trận lũ lịch sử, là khu tái định cư của các hộ dân từng sống ở trên đập Hòa Duân.

Tên của làng do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt vì làng được hoàn thành vào năm Canh Thìn 2000 và cũng gửi gắm niềm tin, mong muốn người dân Hòa Duân sẽ mạnh mẽ vượt qua những mất mát đau thương, hướng về một tương lai tươi sáng hơn.

Năm nay vừa tròn 20 năm, anh Trần Văn Thu, 54 tuổi, làm giỗ chung cho 12 người thân trong gia đình đã ra đi theo dòng nước lũ trong một đêm định mệnh.

Thắp nén nhang lên bàn thờ, anh Thu không cầm được nước mắt, nhớ lại hậu quả khốc liệt của trận lũ năm xưa đã cướp đi cha mẹ, vợ con, anh chị em… chỉ có một mình anh sống sót.

[Thừa Thiên-Huế đề xuất hơn 2.700 tỷ đồng di dân khỏi di tích cố đô Huế]

Anh Trần Văn Thu chia sẻ vào cuối tháng Chín Âm lịch năm 1999, mưa lớn liên tục trong nhiều ngày liền khiến khắp nơi bị ngập trong biển nước. Những ngôi nhà ở trên đập Hòa Duân chủ yếu là nhà cấp bốn, chỉ có riêng ngôi nhà của cha mẹ anh được xây kiên cố ở trên vị trí cao ráo nên khi nước bắt đầu dâng, phần lớn mọi người trong xóm đã sơ tán đi nơi khác, nhưng 12 người thân của gia đình anh và một người hàng xóm đã cố bám trụ vì nghĩ ngôi nhà là nơi trú ẩn an toàn.

Chiều tối 24/9 Âm lịch, anh Thu từ nhà cha mẹ về lại nhà riêng cách đó vài chục mét để nâng cao đồ đạc khỏi bị ngập nước. Khi anh quay trở lại, nước lũ đã bất ngờ dâng quá nhanh. Bản thân anh Thu cố níu kéo vào đường dây điện trong tình trạng bàn chân bị một miếng tôn cắt làm chảy nhiều máu. May mắn sau đó, anh Thu được một người dân chèo thuyền đi ngang qua kịp thời cứu vớt và đưa vào Đồn Biên phòng ở gần đó cứu chữa.

Tuy nhiên, trong đêm hôm đó, một tiếng nổ lớn vang trời, nước lũ chảy xiết đã kéo sập ngôi nhà tưởng chừng như vững chãi nhất trên đập Hòa Duân cùng với mọi người đang trú ẩn ở trong đó ra biển. Mọi công tác cứu hộ ở thời điểm đó dường như không thể trước sức mạnh tàn phá khủng khiếp của tự nhiên. Phải mất một khoảng thời gian dài, anh Thu mới tìm được đầy đủ thi thể của người thân bị sóng biển cuốn trôi dạt vào bờ để đưa về quê hương an nghỉ.

Anh Trần Văn Thu ở làng Rồng làm giỗ chung cho 12 người thân trong gia đình bị thiệt mạng do nước lũ cuốn trôi ra biển năm 1999. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trận lũ đi qua để lại nỗi đau quá lớn đối với gia đình anh Trần Văn Thu và các hộ dân từng sống trên đập Hòa Duân. Mọi người ở đây mất hết nhà cửa, tài sản tích góp lao động bao năm, chỉ còn lại bộ quần áo để mặc ở trên người.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó đã trực tiếp về thăm hỏi, động viên và dành những tình cảm đặc biệt đối với người dân nơi đây. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ đạo các đơn vị quân đội nhanh chóng dựng lại nhà cho các hộ dân để ổn định cuộc sống.

Vượt lên những mất mát, thiếu thốn của những ngày đầu, cuộc sống của người dân làng Rồng hôm nay đã có những khởi sắc, với những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ. Làng hiện có 64 hộ gia đình với 276 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ, với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Thuận An Nguyễn Văn Giàu cho biết trải qua 20 năm từ trận lũ lịch sử, làng Rồng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung ương cho đến địa phương. Và bằng nghị lực tự vươn lên, người dân nơi đây đã có cuộc sống ổn định. Cả làng hiện chỉ còn hai hộ cận nghèo. Những đứa trẻ trong làng được sinh ra sau trận lũ nhiều em đang là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng.

Trở lại vị trí của con đập Hòa Duân, dấu tích về một trận lũ lớn lịch sử dường như đã bị bụi thời gian phủ mờ. Với sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên-Huế và sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, đập Hòa Duân đã được hàn khẩu lại và cùng với sự bồi lắng tự nhiên của biển, bề mặt của đập Hòa Duân hiện mở rộng kéo dài hơn một 1km, có Quốc lộ 49B chạy qua. Phía mặt biển của đập Hòa Duân hiện tại là những bãi tắm đẹp, với những rặng thông xanh mướt, thu hút nhiều khách du lịch.

Đối với anh Trần Văn Thu, sau những biến cố lớn của gia đình từ trận lũ năm xưa, anh đã lập gia đình mới và chuyển vào làm ăn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Dù cuộc sống mưu sinh có bận rộn nhưng hàng năm, anh và gia đình luôn trở về quê hương để tưởng nhớ những người thân đã ra đi trong trận lũ năm xưa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục