Thừa Thiên-Huế nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu

Là nơi chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt, Thừa Thiên-Huế cùng với 3 thành phố của châu Á được chọn để xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực vùng Mekong mở rộng.
Thừa Thiên-Huế nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 21-23/10, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã diễn ra hội thảo tổng kết dự án xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các thành phố thuộc vùng Mekong mở rộng (M-BRACE) giai đoạn 2011-2014, gồm thành phố Huế, Lào Cai (Việt Nam) và thành phố Phuket, Udon Thani (Thái Lan).

Tham dự hội thảo có ông Kenneth MacClune, Giám đốc chương trình M-BRACE; bà Pornpun Pinweha, đại diện Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo ông Kenneth MacClune, Giám đốc chương trình M-BRACE, dựa trên nghiên cứu về biến đổi khí hậu của các nước và các tổ chức quốc tế gần đây, Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các lĩnh vực sản xuất và đến đời sống kinh tế của toàn xã hội, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.

Kết quả đã được đúc kết cũng như kinh nghiệm trong việc triển khai dự án lần này sẽ giúp chính quyền các địa phương có những định hướng trong tương lai, qua đó có kế hoạch để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với tình trạng biến đổi khí hậu trong từng thành phố, địa phương và khu vực.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thành phố Huế là một trong bốn thành phố của châu Á được chọn để xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực vùng Mekong mở rộng.

Thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên-Huế nói chung là nơi chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt như lũ lụt, bão, hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, sạt lở bờ sông… xảy ra hàng năm và cường độ tần suất bất thường, khó dự đoán, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội và ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Do vậy, việc xác định tác động của các loại hình thiên tai trong mối quan hệ với biến đổi khí hậu đối với thành phố Huế để đưa ra các giải pháp thích ứng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu là yêu cầu bức thiết đối với chính quyền và nhân dân địa phương.

Các chuyên gia dự án đã hướng dẫn cách tiếp cận, quy trình lập kế hoạch thích ứng với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo thành phố Huế, các thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và chuyên gia các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, giảng viên các trường đại học ở Thừa Thiên-Huế, nhằm đưa ra nhiều giải pháp thích ứng chuẩn bị cho quy trình lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trên cơ sở kết quả đạt được lần này, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các hợp phần giai đoạn 2 của dự án đạt hiệu quả cao, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục