Diễn đàn Chính sách Khu vực của Hiệp hội Các tổ chức tín dụng nông nghiệp và nông thôn châu Á-Thái Bình Dương (APRACA) với chủ đề “Thúc đẩy dịch vụ tài chính số để phát triển tài chính toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn” do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đăng cai tổ chức đã khai mạc sáng ngày 20/7, tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh khẳng định việc ban hành chiến lược tài chính quốc gia có ý nghĩa hết sức to lớn góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nổi bật và vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính nhằm tăng thêm thu nhập người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là cho nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, người nghèo, người thu nhập thấp góp phần xóa đói giảm nghèo tạo sự phát triển hài hòa bền vững trên khắp các vùng, miền trong cả nước.
[Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng 69,7% về số lượng]
Kết quả qua hơn 2 năm triển khai chiến lược tài chính quốc gia, dịch vụ tài chính số đạt tốc độ tăng trưởng cao, đến nay có gần 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, Phó Thống đốc cũng cho rằng việc triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia vẫn gặp không ít khó khăn thách thức, đặc biệt là việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức của người dân nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp hay người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu xa.
Về phía ngân hàng thương mại, là thành viên Ủy ban Điều hành APRACA, Agribank hiện là ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu Việt Nam luôn duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên 65%/tổng dư nợ và chiếm hơn 36% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành trong lĩnh vực này.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank chia sẻ đến 30/6, quy mô tổng tài sản của Agribank đạt trên 73,7 tỷ USD, nguồn vốn huy động đạt trên 67 tỷ USD, tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 67,5 tỷ USD.
Với xu hướng chuyển đổi số, Agribank tăng cường nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ để triển khai đa dạng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, thu hút, phát triển khách hàng. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong giao dịch thanh toán, Agribank đã và đang nghiên cứu mở rộng hợp tác với các tổ chức viễn thông, công nghệ tài chính, tổ chức trung gian thanh toán phát triển các giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân. Ngoài ra, tập trung phát triển các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Agribank thừa nhận việc thúc đẩy dịch vụ tài chính số để phát triển tài chính toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Agribank mới đạt được kết quả bước đầu, chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế hiện có của ngân hàng.
Ông Anil Kumar Upadhyay, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông thôn Nepal (ADBL) cũng cho rằng hiện tại thói quen không dùng tiền mặt tại vùng nông thôn là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Do đó, nếu không thay đổi được thói quen này thì không thể thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính số.
Để thay đổi được thói quen của bà con nông dân, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông thôn Nepal cho rằng vai trò của chính quyền địa phương và nhóm đối tượng trẻ tại vùng nông thôn cần được nâng cao.
"Theo đó, chính quyền địa phương hỗ trợ bà con hiểu, tạo ra được thông tin và nền tảng để họ ứng dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, đối tượng người trẻ ở khu vực nông thôn - nhóm đối tượng rất năng động, khi đã tiếp cận được các dịch vụ tài chính hiện đại, nhóm đối tượng này có thể về chia sẻ, diễn đạt hướng dẫn cho cha mẹ và những người lớn tuổi một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn," ông Anil Kumar Upadhyay nhấn mạnh./.