Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là bước cụ thể hóa các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Chiến lược hướng đến mục tiêu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên thực hiện chùm 3 bài viết về: "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực tăng trưởng mới."
Bài 1: "Điểm sáng" trong khởi nghiệp
Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 "kỳ lân" công nghệ là VNG, Vnpay, Momo, Sky Mavis đã khẳng định vị thế Việt Nam trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh năm 2022, Việt Nam ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng, cho thấy nhiều "điểm sáng" cùng sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khẳng định vị thế Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Năm 2022, hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Đây là động lực mạnh mẽ, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, khẳng định tiếp thu mô hình vườn ươm của quốc tế, đề án đổi mới sáng tạo nâng cấp, mở màn là đề án 844 với từ “hệ sinh thái” đã tạo đột phá trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Đề án 844 nhằm vào sự tương tác của các chủ thể khi hỗ trợ startup, tạo ra hiệu quả là hơn 3.000 startup đổi mới sáng tạo theo mô hình mới.
“Việt Nam có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, gấp hơn nhiều lần so với cách đây 5 năm.
Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực, việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
[Triển khai nhiệm vụ Khoa học-Công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023]
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh năm 2022, Việt Nam ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng, cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trên cả nước. Đây là kết quả nỗ lực sau 8 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest), mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương.
Điển hình tại Hà Nội, hiệu quả từ các chính sách của thành phố đã thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, trở thành "điểm sáng" trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 khi quý I/2022, Hà Nội có thêm 6.350 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn 103.000 tỷ đồng; tăng 1% về số doanh nghiệp, nhưng tăng tới 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025" tiếp tục triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ 50% phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện khởi nghiệp sáng tạo...
Việt Nam có thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục đã trở thành địa chỉ hấp dẫn dòng vốn đầu tư khởi nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á với cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) đã phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu."
Năm 2022, Việt Nam trở thành trụ cột thứ ba của "tam giác vàng" khởi nghiệp, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu, một văn hóa khởi nghiệp vốn có của Việt Nam và thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng. Việt Nam cũng được đánh giá là "viên ngọc quý" mới nhất của Đông Nam Á, đặc biệt trong hoạt động thu hút đầu tư.
Khẳng định vị thế Việt Nam trong khởi nghiệp
Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022, cùng với việc ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Việc thiết lập mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có ba đại diện vùng quan trọng là trung tâm Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng là điểm nhấn kết nối, khẳng định vị thế Việt Nam trong khởi nghiệp.
Một điểm sáng tiếp theo về khởi nghiệp, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh.
Được thành lập với sứ mệnh khai thác, chuyển giao các dịch vụ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và đầu tư, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (IEC) mới đây đã kết nối thành công giải pháp Mentoring 1-on-1 - một không gian hỗ trợ khởi nghiệp nhằm giúp mỗi nhóm dự án kết nối với một chuyên gia để đồng hành xuyên suốt quá trình hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các chuỗi Startup Open của Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp gia tăng nhận thức của các doanh nhân trẻ về khởi nghiệp, trong khi sinh viên năm cuối các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội tiếp cận từ sớm hệ sinh thái khởi nghiệp và tham gia thực tế vào mô hình của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ươm tạo.
Không chỉ riêng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ghi nhận một phong trào khởi nghiệp rất sôi nổi với hàng loạt giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nông nghiệp, tài chính, du lịch, giáo dục và y tế.
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” cho thấy nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước.
Năm 2022, lượng vốn đầu tư mạo hiểm tại thành phố thu hút các start-up đạt hơn 1,1 tỷ USD, tương đương 60% lượng vốn và 70% số thương vụ về đổi mới sáng tạo của cả nước./.
Đón đọc Bài 2: Kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn mức độ phát triển