Thúc đẩy hợp tác ngư nghiệp, giới thiệu tiềm năng nông nghiệp Việt Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, ưu tiên nâng cao năng lực của ngành thủy sản nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của châu Âu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan ký Bản ghi nhớ với đại diện cơ quan phát triển Pháp AFD. (Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp.

Hai bên đã trao đổi về việc hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành thủy sản theo khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tháo gỡ thẻ vàng về khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo không theo quy định (IUU).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ vai trò quan trọng của thủy sản Việt Nam, một ngành kinh tế mũi nhọn hiện đang góp phần tạo công ăn việc làm và nguồn lực kinh tế cho các hộ gia đình bà con ngư dân đang sinh sống dựa vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thẻ vàng của châu Âu đã khiến cho cộng đồng này gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, ưu tiên nâng cao năng lực của ngành thủy sản nhằm thực hiện tốt các khuyến nghị của châu Âu.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam là một nước đang phát triển, quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Tuy vậy, nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là bà con ngư dân. Cần phải có thời gian để thích nghi với những quy định mới, những thay đổi căn bản mà châu Âu cũng phải mất hàng trăm năm mới hình thành nên.

Pháp là nước có vai trò, tiếng nói quan trọng trong EU, do vậy Bộ trưởng đã đề nghị phía Pháp thúc đẩy các hợp tác, trong đó có hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để giúp Việt Nam tăng cường năng lực, thực hiện tốt các khuyến nghị của châu Âu trong việc tháo gỡ thẻ vàng cho Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam sẵn sàng hợp tác sâu sắc hơn nữa với Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để ưu tiên đàm phán các khoản vay của Pháp, xây dựng các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, cảng cá, trung tâm nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo điều kiện cho hoạt động xác nhận, chứng nhận thủy sản có nguồn gốc từ khai thác và tập huấn cho ngư dân nâng cao kỹ năng đánh bắt...

Hai bên cũng thống nhất sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn làm việc cụ thể với nhau để tăng cường hợp tác công-tư, phát triển hệ thống thông tin, hạ tầng kỹ thuật quản lý nghề cá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp sang đầu tư ở Việt Nam.

[Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Pháp]

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã ký và chứng kiến lễ ký 3 văn bản thỏa thuận quan trọng, trong đó nổi bật là Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với AFD về nông nghiệp giai đoạn 2021-2023.

Với thỏa thuận này, hai bên cam kết duy trì và phát triển mối quan hệ song phương trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; tiếp tục trao đổi và thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực hoạt động thuộc thẩm quyền của bộ để nâng cao trình độ khoa học-công nghệ và phát triển nông nghiệp bền vững đủ khả năng chống, chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực trong phòng tránh, dự báo thiên tai; tăng cường hợp tác trong phát triển các công cụ và chiến lược số hóa đối với các dịch vụ nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn; tăng cường hỗ trợ hợp tác phi tập trung với các vùng của Pháp trong các lĩnh vực hợp tác có liên quan và hợp tác Nam-Nam, hợp tác ba bên; tăng cường năng lực trong lĩnh vực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo không theo quy định và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ký Ý định thư với Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ga Bon. (Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+)

Tại trụ sở Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và bà Tổng Thư ký OIF, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã ký một Ý định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Gabon về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực càphê.

Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký một Ý định thư khác về hợp tác nông nghiệp Nam-Nam và ba bên với OIF để Việt Nam là nước thứ ba cung cấp kỹ thuật cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.

Với Ý định thư này, các bên tuyên bố sẵn sàng tiếp tục và tăng cường quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy các sáng kiến hợp tác Nam-Nam và ba bên vì lợi ích của các quốc gia và khu vực nói tiếng Pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững.

Trước khi rời Pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đi thăm chợ Rungis, khu chợ đầu mối lớn nhất nước Pháp và là một trong những chợ đầu mối lớn nhất châu Âu.

Bộ trưởng đã rất ấn tượng về tầm vóc và quy mô của khu chợ này, cho rằng đây sẽ là một kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo và ứng dụng nhằm phát huy hiệu quả việc tiêu thụ nông sản, tăng cường sự phối hợp giữa nhà nông, nhà sản xuất, doanh nghiệp và hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp. 

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Pháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong chuyến thăm làm việc lần này, Bộ trưởng đã gặp gỡ nhiều doanh nhân Pháp, giới thiệu tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam và kêu gọi họ đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam cần và Pháp có thế mạnh như xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần nông nghiệp từ khâu bảo quản, phân loại đến chế biến nông sản, phát triển các mô hình nông nghiệp mới như kỹ thuật số, hữu cơ, sinh thái... nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó kêu gọi đầu tư vào các chương trình nhằm kích hoạt kinh tế nông thôn, tạo thương hiệu làm du lịch nông thôn, phát triển các sản phẩm địa phương góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ nông nghiệp và nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường giao lưu xuất nhập khẩu nông sản, phát triển các chương trình hợp tác dài hạn hơn như xây dựng hệ thống các vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, chế biến nông sản và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo hướng minh bạch-trách nhiệm-bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục