Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/2, sáng 8/10, tại trụ sở Văn phòng Tổng Lãnh sự quán tại Fukuoka, Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai đã tiếp và làm việc với Đoàn Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) do ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm làm Trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc có Tiến sỹ Phạm Hùng Cường, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu và phát triển pin nhiên liệu hydrogen, Đại học Kyushu; ông Cao Anh Tuấn - người sáng lập Quỹ Genetica Research Foundations, ông Bùi Thành Đô - người sáng lập Quỹ Thinkzone, cán bộ Tổng Lãnh sự và cán bộ NIC.
Tại buổi làm việc, Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai đã nêu những thuận lợi và lợi thế của Nhật Bản trong triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen và kinh nghiệm cho Việt Nam; lợi thế phát triển hydrogen của Fukuoka và khu vực Kyushu, việc kết nối hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức của hai nước trong việc phát triển năng lượng hydrogen.
Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ NIC cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tìm kiếm các đối tác Nhật Bản kết nối, trợ giúp Việt Nam xây dựng và triển khai chính sách năng lượng hydrogen (xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, hệ thống quy chuẩn trong lĩnh vực hydrogen…); đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác chuyển giao công nghệ hydrogen.
Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai cũng đã thông báo về Hội thảo “Giải pháp cho ngành sản xuất chất bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn Việt Nam-Nhật Bản” do Tổng Lãnh sự quán phối hợp với Đại học Kyushu tổ chức trong hai ngày 29-30/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka.
Tiến sỹ Phạm Hùng Cường đã trình bày lịch sử hình thành, quá trình phát triển và các công nghệ tiên tiến của Trung tâm nghiên cứu và phát triển pin nhiên liệu hydrogen, Đại học Kyushu; chiến lược phát triển hydrogen của Nhật Bản tầm nhìn đến năm 2050 (Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng Chiến lược hydrogen - năm 2005); khả năng hợp tác với phía Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thành lập phòng nghiên cứu về hydrogen và pin nhiên liệu đặt tại NIC.
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC đã nêu bật 9 hướng phát triển của NIC với sứ mệnh quy tụ, dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… trong đó tập trung 3 trụ cột là trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn và công nghệ hydrogen.
Ông Thịnh mong muốn Tổng Lãnh sự Vũ Chi Mai và Tổng Lãnh sự quán tiếp tục hỗ trợ NIC trong việc kết nối với Trung tâm nghiên cứu và phát triển pin nhiên liệu hydrogen, Đại học Kyushu nghiên cứu hợp tác xây dựng phòng nghiên cứu về hydrogen đặt tại trụ sở NIC, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về hydrogen, tổ chức các hội thảo khoa học về hydrogen ở Nhật Bản và Việt Nam.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã trực tiếp đến thăm và làm việc tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển pin nhiên liệu hydrogen, Đại học Kyushu./.
Nhật Bản thúc đẩy hỗ trợ hạ tầng mạng thông tin cho Việt Nam và các nước ASEAN
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản sẽ hỗ trợ các công ty nước này triển khai hoạt động sang các nước châu Á đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực ASEAN.