Thúc đẩy phát triển công nghệ bán dẫn vi mạch tại Việt Nam

Hội nghị quốc tế về công nghệ bán dẫn vi mạch tại TP.HCM tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
Sản phẩm vi mạch được trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 28/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Hiệp hội kỹ sư điện và điện tử Hoa Kỳ (IEEE) tổ chức Hội nghị quốc tế về công nghệ bán dẫn vi mạch (IEEE Joint Conference ICICDT-2016 & 4S-2016).

Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020.

Hội nghị diễn ra đến hết ngày 29/6 gồm hội nghị quốc tế về thiết kế vi mạch và công nghệ lần thứ 9 (ICICDT-2016) và hội nghị vi mạch và các công nghệ có liên quan lần thứ 4 (4S-2016).

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các kỹ sư và sinh viên ngành điện tử, bán dẫn và vi mạch trên toàn thế giới gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Sự kiện còn nhằm kêu gọi sự tham gia của khối viện, trường và khối doanh nghiệp trên toàn quốc để tạo ra một hệ sinh thái cho sự phát triển và ứng dụng của công nghệ bàn dẫn, vi mạch.

Ngoài các lĩnh vực chuyên đề, các diễn giả sẽ thảo luận 4 chủ đề lớn xoay quanh xu hướng phát triển về mặt công nghệ cũng như ứng dụng của sản phẩm vi mạch trên phạm vi toàn cầu gồm: vi xử lý công suất thấp từ di động đến thiết bị đeo và Internet of thing; tăng tốc thế giới cảm biến thông qua sự phát triển của công nghệ hình ảnh; vi xử lý -quá khứ, hiện tại và tương lai; xưởng cực tiểu - một nhà máy chế tạo vi mạch không cần đầu tư lớn.

Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, ngành công nghiệp điện tử viễn thông của Việt Nam phát triển chủ yếu dựa trên việc lắp ráp các sản phẩm từ linh kiện điện tử nhập khẩu, do vậy không tạo được nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững.

Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố giai đoạn 2013-2020 và hiện đang đi đúng hướng, đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định vị thế dẫn đầu của thành phố trong ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp hạt nhân của công nghiệp điện tử, với mức tăng trưởng hàng năm hơn 10%.

Với tầm quan trọng của ngành vi mạch, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các chính sách ưu đãi và cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ vi mạch trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hóa của đất nước, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) với mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu về thiết kế và đào tạo vi mạch tại Việt Nam.

Sau hơn 10 năm thành lập, ICDREC đã cho ra đời hàng loạt con chíp mang thương hiệu Việt Nam như chip Sigma K3, chip VN8-01, chip VN 16-32, chip HF-RFID, chip sinh học...

Những con chip này đã ứng dụng trên các sản phẩm như đồng hồ điện tử, khóa container, hộp đen xe hơi và xe máy… Đặc biệt, ICDREC đã chuyển giao và thương mại hóa con chip SG8V1 do đội ngũ kỹ sư trong nước thiết kế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục