Ngày 6/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ ký Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị giai đoạn 2023-2027 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả trong thực hiện các chính sách tài chính toàn diện.
Chương trình gồm 4 nhóm hoạt động chính: Phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các loại hình tín dụng khác; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó tập trung vào giáo dục tài chính cho phụ nữ, góp phần hạn chế tín dụng đen.
[Thêm 100 triệu USD tài trợ cho DNVVN, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ]
Hai bên sẽ nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông về hoạt động của hai bên, công tác an sinh xã hội và các hoạt động phối hợp khác.
Hai cơ quan đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp như chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách; xây dựng đề án về hỗ trợ phụ nữ tiếp cận tài chính toàn diện, tài chính vi mô; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, chia sẻ thông tin; xây dựng hệ thống dữ liệu về hoạt động vay vốn của khách hàng là phụ nữ; tìm kiếm và vận động hỗ trợ của tổ chức quốc tế để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tiếp cận dịch vụ tài chính; công tác an sinh xã hội (tập trung phụ nữ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) và công tác cán bộ nữ.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong thời gian vừa qua, hai bên đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai các chương trình tín dụng. Ngày 23/6/2016, ba cơ quan gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội nông dân Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, hội phụ nữ các cấp đã phối hợp ký kết với ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.
Ngân hàng Nhà nước cũng giao Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng có liên quan nghiêm túc và tích cực thực hiện chính sách tín dụng, thỏa thuận ủy thác trong việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, chú trọng đối tượng là phụ nữ.
Cũng nhân dịp này, ngành ngân hàng dành tặng 1 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tôn tạo khu di tích Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam./.