Thúc đẩy ứng dụng công nghệ viễn thám trong nông nghiệp

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, định hướng trong thời gian tới Việt Nam sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong nông nghiệp, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Mưa lũ cuốn trôi nhiều ruộng lúa và hoa màu của người dân ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Định hướng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý ) và viễn thám vào theo dõi quá trình sạt lở, bồi lắng của bờ sông, bờ biển và cảnh báo nguy cơ mất an toàn của đê; ứng dụng vào xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, dự báo tình hình sản xuất các loài cây trồng chủ lực và nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tàu đánh cá trên biển, giám sát lũ lụt và thảm họa thiên tai…

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong đảm bảo an ninh lương thực” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế của Thụy Sĩ (SCO) tổ chức sáng nay (30/7), tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó công tác dự báo và quản lý thiên tai đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, đến năm 2017, các vệ tinh của Việt Nam sẽ bắt đầu cung cấp ảnh phục vụ phát triển kinh tế, thương mại. Bởi vậy, từ khoảng 2 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã bắt đầu tiếp cận với các công nghệ phân tích ảnh viễn thám. Đến nay, từ những ảnh viễn thám do một số nước châu Âu cung cấp, Bộ đã ứng dụng công nghệ GIS vào bảo vệ và phát triển rừng.

Cụ thể, ứng dụng công nghệ viễn thám trong ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu. Đó là, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng bằng phương pháp sử dụng ảnh vệ tinh SPOT4 và SPOT5.

Hệ thống Webgis và viễn thám quản lý sản xuất lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đã sử dụng ảnh MODIS để theo dõi sản xuất lúa, để các chuyên gia tính toán quy hoạch diện tích gieo cấy và năng suất lúa cho từng địa phương.

Trong lâm nghiệp, Việt Nam đã dùng ảnh vệ tinh Landsat TM, SPOT4 để xây dựng bản đồ hiện trạng rừng đồng thời theo dõi, cảnh báo cháy rừng kịp thời cho nhiều tỉnh. Năm 2013-2014, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS lập bản đồ hiện trạng nuôi trồng thủy sản miền Bắc Việt Nam và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã lập báo cáo kỹ thuật đánh giá khả năng ứng dụng của tư liệu vệ tinh VNRedSat-1 trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên và quản lý thảm họa.

Hội thảo “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong đảm bảo an ninh lương thực”. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Phát biểu tại Hội thảo ông Samuel Waelly, Giám đốc SCO tại Việt Nam cho biết, tại Việt Nam trong 2 năm qua, Dự án Riice đã được triển khai thí điểm đối với cây lúa ở Nam Định và Sóc Trăng. Theo đó, vùng trồng lúa, thời vụ và tình hình mùa màng sẽ được đưa vào bản đồ từ hình ảnh vệ tinh, thông tin thu thập được sử dụng làm đầu vào để xây dựng các mô hình phát triển của lúa nhằm xác định sản lượng thực tế với độ chính xác trên 90%.

Từ những kết quả đó, dự án sẽ chuyển sang giai đoạn 2 từ năm 2015-2016, mở rộng ra khắp vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh theo dõi hoạt động sản xuất lúa gạo, dự án sẽ tiến tới mở rộng ra theo dõi thiên tai, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, các cây nông sản: tiêu, điều, cà phê, cao su…

Đánh giá tính khả thi của những ứng dụng công nghệ viễn thám trong nông nghiêp hiện nay, ông Đỗ Xuân Lân, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mặc dù công nghệ viễn thám đã phát triển và ứng dụng mạnh mẽ ở nhiều nước phát triển trên thế giới, song vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

“Khó khăn lớn nhất trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong nông nghiệp ở Việt Nam là vốn đầu tư đòi hỏi quá cao trong khi những lợi ích trước mắt trong việc áp dụng công nghệ này còn chưa thể hiện rõ. Hơn nữa, năng lực của đội ngũ cán bộ của nước ta về công nghệ này còn hạn chế nên chưa tối ưu hóa được những dữ liệu chúng ta thu thập được khiến hiệu quả chưa cao,” ông Đỗ Xuân Lân nêu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục