Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa đến đầu giờ chiều 2/8, bão số 2 sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
Sáng 2/8, tại Hà Nội, trong cuộc họp ứng phó với bão số 2, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Quang Hoài đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngay sau cuộc họp này kiểm tra lại số lượng tàu thuyền đang ở vùng nguy hiểm, có phương án chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra.
"Theo dự báo, bão số 2 gây mưa lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ, trong đó sáng 2/8 Thanh Hóa có mưa rất lớn. Do vậy, Tổng cục Thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, ngập úng để có giải pháp tiêu úng kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác trực ban, nắm thông tin để có phương án vận hành hồ chứa đúng quy trình, kịp thời (đặc biệt là các hồ chứa nhỏ) đồng thời đảm bảo an toàn cho hạ du," ông Trần Quang Hoài lưu ý.
Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về tình hình các hồ Thủy điện Hòa Bình, Sơn La để Ban Chỉ đạo có cơ sở báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo.
Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có báo cáo gửi về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ để theo dõi, chỉ đạo tình hình các hồ thủy điện trong đó lưu ý đến các hồ thủy điện nhỏ (tại các hồ này đang thiếu cán bộ cũng như công cụ giám sát hồ).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 2, tình hình mưa lũ, đặc biệt là khu vực phía Tây các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, để ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.
[Các hãng hàng không hủy, lùi giờ bay hàng loạt chuyến vì bão số 2]
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động kiểm tra lại các trạm đo khí tượng thủy văn, theo dõi sát tình hình lũ quét, sạt lở đất khu vực các tỉnh từ Hòa Bình đến Quảng Bình, cung cấp thông tin cho các địa phương chịu ảnh hưởng của bão để chủ động ứng phó.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, khoảng trưa đến đầu giờ chiều 2/8, bão số 2 sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh Ninh Bình- Nghệ An. Ngày 2/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 200mm/24 giờ).
Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông đến khoảng ngày 5/8 với lượng mưa phổ biến 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400mm. Trong ngày và đêm 2/8, Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100mm/giờ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh.
Đề cập đến tình hình lũ, ông Mai Văn Khiêm cho rằng, mực nước đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hồng, sông Hoàng Long, sông Bôi, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Riêng hạ lưu sông Gianh khả năng lên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và khu vực Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 5 giờ ngày 2/8 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.174 tàu với 233.900 lao động biết hướng di chuyển của bão để tránh trú, neo đậu. Tàu thuyền các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An đã vào neo đậu tránh trú.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngay sau khi nhận được Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện Lực Việt Nam... kiểm tra, rà soát tình hình an toàn hồ đập thủy điện và chỉ đạo việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa theo đúng quy định.
Nghệ An rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm
Sáng 2/8, các ngành, địa phương trong tỉnh Nghệ An cùng người dân đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2, dự báo có nguy cơ đổ bộ vào địa bàn tỉnh.
Ở các khu vực ven biển và các đảo trong tỉnh, các địa phương đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Cảng vụ Nghệ An và các đơn vị liên quan rà soát các phương tiện tàu thuyền, kể cả tàu vận tải và tàu du lịch, hướng dẫn di chuyển và thoát ra không đi vào khu vực nguy hiểm; tổ chức, hướng dẫn người dân gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với các lồng bè nuôi thủy hải sản.
Tại các huyện miền núi, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đang tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm. Vì theo dự báo khả năng sẽ có mưa lớn, nguy cơ sạt lở, lũ quét ở các huyện miền núi là rất dễ xảy ra, trong khi tại địa phương có rất nhiều hộ dân đang sống ở những khu vực ven núi, ven sông.
Trên địa bàn tuyến biển Nghệ An có 3.488 phương tiện với 17.440 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Trong sáng 2/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An tiếp tục cử các đoàn công tác đi kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó bão của các đơn vị tuyến biển.
Thượng tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập 2 đoàn công tác, xuống các đơn vị chỉ đạo các đơn vị kêu gọi tàu thuyền, chỉ đạo thành lập các tổ công tác giúp dân chằng néo tàu thuyền, kêu gọi ngư dân hoạt động gần bờ vào tránh trú bão đảm bảo an toàn.
Tại địa bàn Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), theo thống kê có 956 phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển, đến nay, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã liên lạc được với tất cả các phương tiện và hướng dẫn neo đậu tránh trú bão an toàn. Cùng ới đó, Đồn Biên phòng còn tổ chức tuyên truyền cho người dân về diễn biến bão số 2, ngăn chặn không cho ngư dân ra khơi khi có sóng to, gió lớn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Ở Cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) có 166 tàu có chiều dài trên 15m thường xuyên cập cảng, nhận được thông tin về tình hình bão trên biển, các chủ tàu đã về nơi tránh trú bão an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Ông Chu Văn Tấn, Cảng trưởng Cảng cá Lạch Quèn cho biết, nhờ sự phối hợp giữa địa phương, đồn Biên phòng và Cảng thông tin trên mọi phương diện để ngư dân biết và đến hiện tại tất cả tàu rời cảng Lạch Quèn đã về bến an toàn.
Tất cả tàu, thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã vào nơi tránh trú an toàn
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 5 giờ ngày 2/8/2020, tất cả 7.234 tàu, thuyền với 26.376 lao động của địa phương đã vào bờ tránh trú bão an toàn.
Trong đó, phương tiện của ông Đặng Văn Mùi (thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) công suất 130 CV, bị mắc cạn, có nguy cơ bị sóng đánh chìm đã được Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cứu nạn thành công và đưa vào cửa Lạch Trường (huyện Hoằng Hóa) tránh trú bão hồi 23 giờ 30 phút ngày 1/8.
Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân sau bão, tối 1/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, ngành của tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.
Các đơn vị tổ chức kiểm đếm và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản...
Các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; trong đó cần lưu ý công tác phòng chống dịch COVID-19 tại khu vực sơ tán. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.
Các đơn vị triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều theo cấp báo động, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi. Đặc biệt là đối với các tuyến đê bị sự cố, đang thi công dở dang; các đập, hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du đập, các công trình đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Các địa phương kiểm tra cụ thể phương án “4 tại chỗ,” trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Qua đó, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.../.