Sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục có giới thiệu nhưng không dạy chữ “p”, “q”. Hàng loạt các vần khó như “oang”, “uyt”, “oao”, “uyu”… cũng không có trong hệ thống các bài về học vần mà chỉ được giới thiệu đến khi học sinh gặp từ có các vần này trong các bài đọc ở cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 2.
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, trong bài đầu tiên “Chào lớp 1” của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của bộ sách này, ở mục 5, phần “Giới thiệu về các chữ cái”, sách đưa đủ 29 chữ cái trong bộ chữ cái của tiếng Việt, bao gồm cả chữ “p” và chữ “q”.
Tuy nhiên, trong tất cả các bài học của cuốn sách này đều không có chữ “p” và “q”. Các chữ cái này chỉ xuất hiện ở bài số 26 với vai trò là một phần cấu thành của chữ “ph” và chữ “qu”.
Các vần khó cũng không được dạy trong các bài về dạy vần ở tập 1 mà chỉ được giới thiệu khi học sinh gặp các từ có vần này ở các bài đọc trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 2. Ví dụ trong bài đọc “Đôi tai xấu xí” ở trang 8 của cuốn sách này, có các chữ “khuấy”, “suỵt”, “hoảng” thì giáo viên sẽ giới thiệu các vần “oang”, “uây”, “uyt” cho học sinh biết.
Chia sẻ với phóng viên báo VietnamPlus, cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học May Academy, người đang trực tiếp dạy môn Tiếng Việt cho học sinh theo bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho hay những điều này là không phù hợp.
“Không biết ý tưởng của các tác giả như thế nào nhưng cá nhân tôi thì thấy chưa hợp lý bởi còn thiếu cấu trúc âm, vần,” cô Minh nói.
Theo cô Minh, chữ “p” xuất hiện ở rất nhiều chữ trong tiếng Việt như chữ “pin”, “pằng” hoặc trong tiếng dân tộc như “páo”, “pó”… Chữ “q” tuy ít xuất hiện độc lập trong tiếng nhưng lại thường xuyên xuất hiện trong các ký hiệu toán học như hình chữ nhật MNPQ. “Nếu không dạy học sinh chữ p và q thì các em sẽ không biết các chữ này,” cô Minh chia sẻ.
[Có 43 sách giáo khoa lớp 3 mới được dùng trong năm học 2022-2023]
Là một giáo viên có thâm niên hàng chục năm dạy lớp 1, cô Minh cho biết mình đã sớm phát hiện ra vấn đề này và khi soạn bài giảng về chữ “ph”, “qu”, cô luôn dạy cho học sinh chữ “p” và “q” trước rồi mới dạy đến chữ “ph”, “qu”.
Tuy nhiên, các giáo viên trẻ có thể sẽ không để ý điều này và nếu dạy theo các bài trong sách giáo khoa thì học sinh sẽ không biết các chữ cái này.
“Các vần khó đọc cũng cần được giới thiệu riêng trong các bài học vần. Càng khó càng phải dạy kỹ hơn để học sinh nắm được chứ không phải khó và ít dùng thì không dạy. Quan điểm của tôi là sách Tiếng Việt phải dạy hết các âm, vần mà tiếng Việt sử dụng,” cô Minh chia sẻ./.