“Thực thi luật về giúp việc gia đình là thách thức lớn”

Việc thực thi điều luật mới về giúp việc gia đình là những thách thức lớn trong tương lai và vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong các quy định cần phải xem xét cụ thể.

Với sự hỗ trợ tư vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình đã được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5.

Theo nghị định này, người sử dụng lao động và người giúp việc gia đình phải ký kết hợp đồng lao động, trong đó người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần, được nghỉ 12 ngày phép nguyên lương mỗi năm và nghỉ lễ, Tết. Người sử dụng lao động đồng thời có trách nhiệm chi trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình như quy định của Bộ Luật Lao động và không được phép trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Cũng như ở các quốc gia châu Á khác, giúp việc gia đình đang ngày một tăng lên ở Việt Nam. Cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, số lượng công việc giúp việc gia đình được Trung tâm quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động dự báo sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên 246.000 người năm 2015.

Đánh giá về chính sách mới nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động giúp việc gia đình này, bà Nelien Haspels, chuyên gia về giới của ILO Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng: “Việc ban hành nghị định về giúp việc gia đình gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nghề giúp việc gia đình khi đảm bảo các yêu cầu quy định sẽ là một nghề chuyên nghiệp, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội cho các gia đình thuê người giúp việc, cho bản thân người giúp việc và cả xã hội Việt Nam.”

“Nghị định này thể hiện sự ghi nhận của Chính phủ rằng nghề giúp việc gia đình mang ý nghĩa quan trọng để các thị trường lao động. Nghề này sẽ tạo điều kiện để phụ nữ làm việc và duy trì năng suất lao động ngoài gia đình,” bà Nelien Haspels nói.

Tuy nhiên, theo bà Haspels, vẫn còn một số vấn đề liên quan đến những quy định cụ thể sẽ cần phải được giải quyết. Chẳng hạn, nghị định đặt ra thời gian nghỉ tối thiểu cho người lao động là 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong một ngày. Như vậy, cũng có thể hiểu là thời gian làm việc hợp pháp của họ có thể lên tới 16 giờ/ngày, điều này mâu thuẫn với tinh thần của Công ước số 189 về Lao động Giúp việc gia đình của ILO, người giúp việc gia đình được hưởng sự bảo vệ về mặt pháp luật như những người lao động khác.

Bà Haspels nhận định, việc thực thi những quy định mới cũng sẽ là thách thức lớn trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam đã bắt đầu đưa ra những phương tiện về luật pháp và chính trị để biến cam kết bảo vệ lao động giúp việc gia đình thành hiện thực.

Trên thế giới hiện có khoảng 53 triệu lao động giúp việc gia đình. Châu Á là nơi có nhiều người làm việc cho các hộ gia đình nhất 21,5 triệu người, chiếm hơn 40% tổng số lao động giúp việc gia đình của toàn cầu.

Tỷ lệ người giúp việc gia đình tại Châu Á-Thái Bình Dương được pháp luật lao động bảo vệ thấp hơn các nơi khác trên thế giới. Chỉ có 3% lao động thuộc nhóm này trong khu vực được nghỉ 24 giờ liên tiếp trong một tuần và có ngày phép năm. Lao động giúp việc gia đình thường kiếm chỉ chưa đầy một nửa, và có khi chỉ bằng 1/5 mức lương trung bình. Việc tiếp cận với sự bảo vệ về mặt pháp luật và xã hội cũng là một vấn đề lớn khác đối với nhóm lao động này.

Công ước số 189 về Lao động Giúp việc gia đình của ILO có hiệu lực từ tháng 9/2013 và hiện đã có 13 quốc gia phê chuẩn, tạo đà hướng tới việc ghi nhận người giúp việc gia đình có đầy đủ các quyền lao động và không phải là lao động “hạng hai”./.

Một nghiên cứu do ILO và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành năm 2011 cho thấy phần lớn người giúp việc gia đình ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nữ giới từ nông thôn. Hầu hết người giúp việc gia đình mới chỉ tốt nghiệp cấp hai, và không được đào tạo để làm công việc này.

Điều kiện sống của những người giúp việc không ở cùng gia đình thuê lao động và những người giúp việc trông coi người ốm ở bệnh viện thường khá tồi tệ. Mặc khác, những người sống cùng gia đình thuê lao động thì lại ít được giao tiếp với bên ngoài.Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều người giúp việc gia đình phải làm việc quá giờ và “làm rất nhiều giờ”. Họ cũng dễ trở thành nạn nhân bị quấy rối tình dục và các dạng bạo lực khác./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục