Thực trạng lộ trình số hóa tiền tệ, công nghệ blockchain ở Đông Nam Á

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, các ngân hàng trung ương và tư nhân trên toàn thế giới đang thử nghiệm công nghệ nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh tế nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn.
Thực trạng lộ trình số hóa tiền tệ, công nghệ blockchain ở Đông Nam Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: paymentsjournal.com)

Theo mạng tin ASEAN Today, các nước Đông Nam Á đang tỏ ra cởi mở với công nghệ blockchain (chuỗi khối) và số hóa tiền tệ, bất chấp thực tế rằng phần lớn người dân trong khu vực vẫn phụ thuộc vào tiền mặt.

Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, các ngân hàng trung ương và tư nhân trên toàn thế giới đang thử nghiệm công nghệ nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh tế nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn.

Tại Đông Nam Á, trong khi phần lớn khu vực vẫn kiên định dựa vào tiền mặt, các trung tâm ở Singapore và Thái Lan đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy việc sử dụng các giao dịch kỹ thuật số thông qua blockchain.

Blockchain là một công nghệ tạo thuận lợi cho các giao dịch thông qua một sổ cái dữ liệu điện tử không thể thay đổi, được cho là có thể làm giúp tiếp xúc và tăng sự tin tưởng giữa các bên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các ứng dụng của công nghệ này còn vượt ra ngoài lĩnh vực thanh toán.

[Kinh tế số giúp châu Á phát triển thịnh vượng sau COVID-19]

Singapore đang nổi lên như một trong những địa điểm nghiên cứu lớn nhất thế giới về việc sử dụng rộng rãi công nghệ blockchain trong các ngành công nghiệp.

Tại Thái Lan, các công ty như Omise và R3 đang hợp tác với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp tư nhân nhằm gia tăng các dịch vụ dựa trên blockchain.

Omise - công ty có trụ sở tại Bangkok - đã tung ra một tài sản kỹ thuật số mang tên “OMG Network” và được xếp hạng là một trong những loại tiền kỹ thuật số hay còn được là tiền điện tử được giao dịch công khai trên thế giới.

Omise hiện có quan hệ đối tác với một số công ty tên tuổi ở Thái Lan, như tập đoàn viễn thông khổng lồ True Corporation.

Ngược lại, R3 không có tài sản kỹ thuật số có thể giao dịch, thay vào đó tập trung vào việc hợp lý hóa các hoạt động kinh tế thông qua nền tảng blockchain riêng mang tên “Corda,” thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính truyền thống trong nước như Ngân hàng Thương mại Siam và Ngân hàng Thái Lan (BOT).

Ngành công nghiệp blockchain toàn cầu đang hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh, một phần do sự phổ biến của Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác.

Tuy nhiên, có một loạt bất ổn về quy định vẫn tiếp tục ám ảnh lĩnh vực này, trong đó có quyền tài phán pháp lý không đồng đều đối với các loại tài sản và dịch vụ blockchain xuyên biên giới.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng châu Á-Thái Bình Dương của R3, ông Amit Ghosh, nhìn chung Đông Nam Á có vẻ nồng nhiệt với công nghệ blockchain và những lợi ích tiềm năng của nó.

Ông Ghosh cho hay: “Trong bối cảnh khu vực này đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chúng ta đã chứng kiến nhu cầu đổi mới công nghệ của khu vực đang ngày càng trở nên háo hức hơn. Từ góc nhìn của mình, chúng tôi thấy rằng các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á đã tiếp nhận blockchain và nhận thức được những lợi ích mà công nghệ này có thể mang lại.”

Thái Lan có thể là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện các giao dịch quy mô lớn thông qua blockchain.

Trong vài năm qua, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) đã nghiên cứu áp dụng thanh toán kỹ thuật số bằng blockchain cả trong và ngoài biên giới.

Năm 2018, BOT đã bắt đầu triển khai giai đoạn một của sáng kiến mang tên “Dự án Inthanon,” nhằm tạo điều kiện thanh toán hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn giữa các tổ chức.

Giai đoạn hai của dự án được thực hiện vào năm 2019, tập trung thử nghiệm chuyển khoản trái phiếu liên ngân hàng.

Giai đoạn ba đã đạt đến đỉnh điểm với việc chuyển khoản xuyên biên giới thành công giữa BOT và Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong mà không cần sử dụng bên thứ ba.

Công nghệ Corda của R3 đã tạo thuận lợi cho các giao dịch thông qua mạng blockchain. Về lâu dài, các dự án như vậy sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng blockchain trong các giao dịch tài chính trên toàn khu vực.

Ông Ghosh khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các giai đoạn ban đầu của dự án đã giúp tạo cơ sở cho việc chuyển các lượng tiền lớn thông qua các đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC)."

Cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào số hóa tiền tệ của mình, tức là dự trữ quốc gia được lưu trữ bằng kỹ thuật số và người dân thực hiện các giao dịch hàng ngày bằng blockchain.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây do tờ The Economist công bố cho thấy khoảng 80% ngân hàng trung ương trên thế giới đang xem xét các đề xuất tương tự.

Bất chấp sự quan tâm của các chính phủ và công ty ở Đông Nam Á đối với các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, phần lớn người dân trên khắp khu vực này hiện vẫn phụ thuộc vào tiền mặt.

Theo dữ liệu do Reuters công bố vào năm 2018, 70% người dân trong khu vực không có tiền gửi ngân hàng, có nghĩa là họ không có tài khoản ngân hàng và chỉ dựa vào tiền vật chất.

Nhiều báo cáo gần đây cho thấy mặc dù đặt mức tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số khác, một số quốc gia nghèo hơn ở Đông Nam Á như Campuchia và Myanmar có tỷ lệ dân số chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng đặc biệt cao. Riêng tại Myanmar, khoảng 40 triệu người không có tiền gửi ngân hàng.

Theo dự báo, trong vài thập kỷ tới, khu vực này có thể chứng kiến một lượng lớn người đăng ký dịch vụ ngân hàng lần đầu tiên - xu hướng sẽ làm tăng vai trò của tài chính kỹ thuật số trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là khi các công nghệ này được thế hệ trẻ chấp nhận.

Tầng lớp thanh niên trong khu vực, đặc biệt là ở khu vực thành thị, có xu hướng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử cao hơn nhiều so với các thế hệ già hơn.

Theo Boston Consulting Group - một trong những công ty tư vấn kinh doanh lớn nhất thế giới, 49% cư dân thành thị ở Đông Nam Á có tài khoản ngân hàng đã sử dụng ví điện tử trong thanh toán và tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 84% vào năm 2025.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ blockchain cho rằng tiềm năng của công nghệ này không chỉ đơn giản là cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, hoặc giúp đưa các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi tình trạng lạm dụng tiền mặt.

Blockchain có thể mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu và người nghèo trong khu vực với khả năng ghi lại dữ liệu bất biến và cho phép chuyển tiền không tiếp xúc mà không cần đến bên thứ ba.

Các ứng dụng tiềm năng của công nghệ blockchain nhằm cải thiện cuộc sống của người dân có rất nhiều, từ mở rộng bảo hiểm và dịch vụ chuyển tiền chi phí thấp đến mạng ngang hàng có thể giúp tiết kiệm và vay tiền dễ dàng hơn.

Tuy nhiên về lâu dài, di sản lớn nhất của blockchain có thể làm gia tăng hiệu quả kinh tế và xã hội, tạo sinh kế hàng ngày cho người dân Đông Nam Á.

Ông Ghosh kết luận: “Không còn nghi ngờ gì nữa, việc tích hợp công nghệ blockchain vào các quy trình như chuyển tiền sẽ giúp gia tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí tổng thể trong hệ sinh thái tài chính. Tất cả đều sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.