Thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm

Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp, chế tài đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển thuốc lá nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.
Cảnh sát biển Việt Nam thu giữ thuốc lá lậu. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán hàng năm, hoạt động buôn lậu lại diễn ra phức tạp ở hầu khắp các tuyến biên giới từ Bắc chí Nam.

Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp, chế tài đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển thuốc lá nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho biết thiệt hại về kinh tế do thuốc lá lậu là rất lớn, ước tính ngân sách thất thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thành phố Hồ Chí minh vẫn là thị trường tiêu thụ hàng lậu, gian lận thương mại lớn nhất ở các tỉnh phía Nam.

Đủ chiêu thức tuồn hàng lậu

Theo tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, ngày 27/1, Đồn biên phòng Phú Hội huyện An Phú, tỉnh An Giang đã bắt giữ một số lượng lớn thuốc lá lậu vận chuyển trên sông vào nội địa. Qua kiểm tra, đơn vị đã thu giữ 18.500 gói thuốc lá nhập lậu được các đối tượng ngụy trang dưới các tấm lưới cá, bao bố trên xuồng cao tốc giống những người buôn bán cua cá trên sông.

Địa hình tỉnh An Giang có đường biên giới dài hàng chục km với nước bạn Campuchia cùng hàng trăm đường mòn, lối mở trên đất liền, trên sông Mekong, rất khó khăn trong kiểm soát việc vận chuyển hàng lậu.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu thuốc lá, đường cát trắng tuồn từ biên giới với Campuchia vào nội địa.

Điển hình nhất là tháng 9/2015, Công an tỉnh An Giang triệt phá đường dây buôn lậu đường cát trắng Thái Lan vào địa bàn huyện An Phú, thu giữ hơn 100 tấn đường. Qua vụ việc cho thấy, các đối tượng buôn lậu đã thành lập doanh nghiệp kinh doanh đường cát trong nước rồi thu mua đường lậu từ các đầu nậu về đóng gói, in nhãn mác bao bì của các doanh nghiệp trong nước để bán ra thị trường.

Các đối tượng vận chuyển thuê thì thường tổ chức thành từng nhóm, phân công nhau theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng, tìm mọi cơ hội để tuồn hàng vào nội địa.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tình hình buôn lậu cũng diễn ra khá phức tạp, tập trung trên tuyến biên giới thuộc huyện Hồng Ngự, Tân Hồng. Phương thức hoạt động ngày càng tinh vi để đối phó với sự đấu tranh quyết liệt của các lực lượng chức năng.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, hiện nay các tuyến trên địa bàn biên giới trọng điểm vận chuyển hàng cấm, hàng lậu tập trung tại xã Thường Thới Hậu B, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự) và xã Bình Phú, Tân Hội, Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng). Sau đó, những mặt hàng lậu được tập trung tại thị xã Hồng Ngự và trung chuyển về thành phố Cao Lãnh và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai tỉnh Long An và Tây Ninh có khoảng cách địa lý gần với Thành phố Hồ Chí Minh nhất nên lượng thuốc lá nhập lậu được tuồn qua hai địa phương này tương đối lớn.

Trong hai tháng qua, các lực lượng chức năng như công an, bộ đội biên phòng và lực lượng liên ngành thuộc Ban chỉ đạo 389 của tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ hàng chục ngàn bao thuốc lá nhập lậu.

Các hình thức tuồn hàng phổ biến là thuê người mang vác qua các đường mòn, lối mở, dùng xe gắn máy chở đến các điểm tập kết di động rồi đưa vào sâu nội địa, mà chủ yếu là Thành phố Hồ chí Minh tiêu thụ.


Ngăn chặn từ nơi tiêu thụ

Dạo qua các tụ điểm buôn bán hàng hóa lớn tại khu vực đường Trần Quốc Toản (quận 3), khu vực xung quanh chợ An Đông (quận 5), khu vực chợ Nhật Tảo 11, tình hình mua bán thuốc lá lậu đều diễn ra công khai. Nhiều tiệm bán thuốc lá chỉ trưng bày trong tủ kinh những nhãn hiệu thuốc lá trong nước nhưng khi khách hàng có nhu cầu mua thuốc lá ngoại như Hero, 555, Jet với số lượng lớn đều có.

Hầu hết người bán khi được hỏi có sợ bị bắt không đều trả lời là có nhưng cho rằng chỉ buôn bán vài bao thì không ai bắt. Như vậy nhận thức của người bán hàng về những quy định cấm bán hàng lậu là có nhưng vì lợi nhuận quá cao từ thuốc lá lậu mang lại nên họ vẫn lén lút kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, cho rằng để giải bài toán về chống buôn lậu, gian lận thương mại cần có giải pháp ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả việc luân chuyển hàng hóa qua các cửa ngõ vào Thành phố; cần tăng cường kiểm soát các hộ kinh doanh lẻ trên địa bàn thành phố, thông qua việc tuyên truyền, vận động và tố giác của các đoàn thể quần chúng nhân dân nơi cư trú.

Còn theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, thuốc lá lậu tiếp tục là mặt hàng trọng điểm trong các đợt truy quét thời gian tới. Trong đó, tập trung ngăn chặn thuốc lá lậu từ đầu nguồn tại các tỉnh biên giới chuyển về Thành phố; đồng thời, tại các điểm tập kết thuốc lá lậu lớn như đường Học Lạc (quận 5), khu vực quận Tân Phú, Bình Tân, quận 12 sẽ gắn camera giám sát hoạt động kinh doanh thuốc lá.

Ngoài việc vận động các chủ kinh doanh ký cam kết không buôn bán thuốc lá lậu, Chi cục kiểm tra thường xuyên, chuyển cơ quan điều tra tiến hành khởi tố nhiều vụ buôn bán lớn theo Nghị định 124/2015 để đề cao tác dụng răn đe, ngăn chặn.

Tại cuộc họp tổng kết công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đồng thời coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong tình hình mới.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Hiệp hội kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc phòng chống, kiểm tra, xử phạt. Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng quy định hành vi buôn bán thuốc lá lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thay vì 1.500 bao như trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục