Quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc có nhiều yếu tố thuận lợi về cơ cấu kinh tế, vị trí địa lý, sự đa dạng hóa trong hình thức trao đổi thương mại. Tuy nhiên, cái khó ở đây là Việt Nam vẫn đang nhập siêu quá lớn từ thị trường này.
Lệch cán cân thương mại
Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua tiếp tục đóng vai trò quan trọng và nổi bật trong tổng thể quan hệ hợp tác. Những năm gần đây, hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt 60 tỷ USD trong năm nay.
Điều này càng thể hiện rõ qua việc Trung Quốc đứng đầu trong số các nước xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và đứng thứ 3 trong số các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam là thị trường tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu, vải sợi, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc thiết bị, phân bón, hóa chất, sắt thép các loại của Trung Quốc; đồng thời xuất sang thị trường này nguyên liệu dầu thô, cao su, than đá, các nhóm hàng nông sản như thủy hải sản, rau quả, hạt điều, dầu thực vật; nhóm hàng công nghiệp như các sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa.
Phát huy lợi thế có chung đường biên giới, trong những năm qua, 7 tỉnh biên giới của Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên và 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam đã chủ động hợp tác phát triển kinh tế. Cụ thể là việc hình thành các khu thương mại, chợ cửa khẩu, khu kinh tế mở và chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới như kết nối hệ thống đường sắt, đường bộ, đường không, hệ thống điện, nước và ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, góp phần không nhỏ ổn định và cải thiện đời sống nhân dân vùng biên, cùng như thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại hai nước.
Tuy vậy, thoạt nhìn qua có thể thấy việc nâng cao quan hệ thương mại giữa hai nước là một tín hiệu vui. Song, niềm vui này sẽ hoàn thiện hơn nếu hai bên có sự cân bằng về cán cân xuất nhập khẩu. Chẳng hạn như dệt may và da giày là hai ngành được coi là xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, song hai lĩnh vực này phụ thuộc nguyên phụ liệu chính từ Trung Quốc. Chính điều này khiến không ít doanh nghiệp trong ngành bày tỏ e ngại khi Việt Nam tham gia vào TPP vì sản phẩm xuất khẩu sẽ đòi hỏi phải được xuất xứ từ nước sở tại.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết ngành dệt may phụ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu với tỷ lệ 86%, riêng Trung Quốc chiếm tới 46%. Đây là “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam. Mặt khác, doanh nghiệp may mặc chỉ tập trung gia công, giá trị gia tăng thấp dẫn đến thu nhập cho người lao động không cao, biến động lớn về lao động và đe dọa sự phát triển ổn định của ngành. Do vậy, chỉ cần một nửa nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc "gặp trục trặc" thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng rơi vào khó khăn từ đầu vào cho sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty May Hưng Yên, bên cạnh con số tăng trưởng xuất khẩu thì vấn đề cốt lõi hiện nay là phải giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ nước ngoài bằng cách nội địa hóa các nguyên phụ liệu, tập trung gia tăng giá trị sản phẩm. Vì thế, công ty đang chuyển sang phương thức FOB và đẩy mạnh sử dụng nhiều nguyên phụ liệu trong nước, trong đó nội địa hóa một số nguyên phụ liệu để phục vụ cho đơn hàng FOB hoặc đẩy mạnh mua nguồn vải ở các thị trường khác như Thái Lan, Singapore… nhằm giảm bớt việc phụ thuộc vào nguyên liệu ở một thị trường.
Thống kê từ Vụ châu Á-Thái Bình Dương cũng thể hiện rõ Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu luôn tăng. Nhiều câu hỏi được đặt ra đến khi nào cán cân thương mại giữa hai nước được cân bằng. Hơn nữa, những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là những nguyên liệu thô không phải thành phẩm khiến việc cân bằng cán cân thương mại hai nước trở nên xa vời.
Xây dựng cơ chế linh hoạt
Nhằm phát huy lợi thế và hạn chế những tác động bất lợi của việc buôn bán qua cửa khẩu, góp phần vào việc cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết thời gian qua, hàng loạt giải pháp tích cực đang được triển khai. Đáng chú ý là chủ trương đẩy mạnh buôn bán những mặt hàng lớn, trong đó Trung Quốc cung cấp các sản phẩm cơ điện, thiết bị trọn gói và nhập khẩu ổn định các sản phẩm Việt Nam có ưu thế như dầu thô, cao su, càphê, thủy sản. Cùng với đó, hai bên cũng đang xúc tiến việc lập Tổ liên ngành nghiên cứu mặt hàng mới và hình thành chuỗi đô thị-cửa khẩu phát triển.
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia nêu ra, ví dụ như phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc theo hướng tiến tới cân bằng kim ngạch xuất nhập khẩu, chủ động đàm phán với Trung Quốc gia tăng nhập khẩu các hàng nông sản, hàng công nghiệp của Việt Nam, đồng thời tăng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trở lại Trung Quốc, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa chế biến tinh, giá trị gia tăng cao.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định với những giải pháp, chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không có tác động lớn trong ngắn hạn tới Việt Nam. Về tổng thể, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm như mục tiêu đã đề ra trong năm 2015. Tuy nhiên, trong dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp chủ động, hữu hiệu để tận dụng những cơ hội, hạn chế những tác động tiêu cực.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, hình thành các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu là đầu mối cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, như dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, điện tử, cơ khí...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng "hứa" sẽ kiểm soát nhập khẩu phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế và sử dụng các công cụ phòng vệ phù hợp nhằm hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu./.