Thu nhập của người lao động tại một số ngành nghề bị sụt giảm cuối năm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thế nhưng nhìn chung tiền thưởng Tết năm 2023 vẫn được dự báo sẽ không giảm nhiều so với năm 2022, thậm chí mức thưởng bình quân có thể cao hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịp Tết năm 2023 sẽ vẫn có ngành vốn có mức thưởng “khủng” sẽ bị sụt giảm mạnh.
Bất động sản không còn thưởng Tết “khủng”
Bất động sản thường là ngành lọt vào nhóm có thưởng Tết “khủng” như thưởng ôtô, tiền thưởng hàng trăm triệu đồng, mức thưởng bình quân của người lao động là 2-3 tháng lương tương đương hàng chục triệu đồng. Thế nhưng trong dịp Tết năm 2023, ngành bất động sản được dự báo sẽ ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về thưởng Tết.
Tình hình kinh tế khó khăn, khủng hoảng khiến hàng loạt các dự án bất động sản đang “nằm đắp chiếu.” Kéo theo đó là các công ty kinh doanh, môi giới bất động sản phải cắt giảm tiền lương, lao động. Những lao động trong ngành bất động sản đã không còn hào hứng chờ thưởng Tết như mọi năm.
Chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên một công ty bất động sản tại Hà Nội hai tháng nay đã bị giảm 20% tiền lương và đang lo lắng công ty sẽ cho nghỉ Tết sớm trước cả tháng vì không có việc làm.
Chị Hà chia sẻ: “Những tháng cuối năm, nhiều công ty bất động sản gần như ‘trắng’ giao dịch, công ty tôi cũng không ngoại lệ. Công ty đã phải cắt giảm cả nhân sự và tiền lương vì quá khó khăn, vì thế tôi cũng không quá hy vọng vào tiền thưởng Tết.”
Anh Hưng, nhân viên một công ty môi giới bất động sản cho biết những năm trước tuỳ vào vị trí mà công có mức thưởng khác nhau nhưng bình quân sẽ gấp 2-3 lần lương tháng, lãnh đạo hoặc nhân viên kinh doanh xuất sắc sẽ có mức thưởng “khủng” hơn, khoảng 600-800 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn của năm nay, anh Hưng dự báo mức thưởng Tết của công ty sẽ thấp nhất trong 10 năm qua.
Tin vui từ doanh nghiệp sản xuất
Cũng gặp nhiều khó khăn về đơn hàng trong những tháng cuối năm nhưng các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng sẽ duy trì thưởng Tết tương đương hoặc cao hơn năm ngoái. Đến nay, nhiều nhà máy quy mô hàng chục nghìn lao động tại phía Nam mặc dù phải giãn việc, giảm giờ làm nhưng đã thông báo sẽ thưởng Tết cao hơn năm ngoái. Điều này phần nào đã giải tỏa áp lực thiếu việc, giảm lương cuối năm của người lao động.
Tập đoàn Pouchen với 8 nhà máy sử dụng khoảng 130.000 công nhân trên cả nước đã thông báo thưởng Tết Nguyên đán năm 2023 cho công nhân, người lao động với mức thưởng cao nhất là 2,2 tháng lương. Đây là một tin vui khiến người lao động yên tâm làm việc trong bối cảnh đang bị giảm giờ làm, thu nhập dịp cuối năm.
Trước khi công bố thưởng Tết, tập đoàn Pouchen đã thông báo cho hơn 20.000 công nhân luân phiên nghỉ việc vì thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, đối với thưởng Tết, tập đoàn này vẫn chi hơn 1.500 tỷ đồng. Các mức thưởng Tết sẽ tùy theo thâm niên làm việc của người lao động và được đánh giá cao hơn 30% so với năm ngoái.
Tại Đồng Nai, một số công ty sử dụng hàng chục nghìn lao động cũng đã rục rịch công bố mức thưởng Tết để người lao động yên tâm làm việc. Đối với Tập đoàn Phong Thái, doanh nghiệp có đông công nhân nhất Đồng Nai (khoảng 67.000 công nhân) cho biết sẽ thưởng Tết 1 tháng lương áp dụng chung cho cả tập đoàn.
[Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các tỉnh báo cáo tình hình thưởng Tết trước 25/12]
Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina tại Đồng Nai có khoảng 35.000 lao động đã công bố mức thưởng mức thấp nhất là 500.000 đồng/người đối với lao động mới vào làm việc; 1,5 tháng lương đối với lao động làm việc trước ngày 15/1/2022.
Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyệnTrảng Bom, Đồng Nai) có 24.000 lao động đang làm việc cũng công bố mức thưởng tết cao nhất là 2,2 tháng lương cho lao động làm việc đủ 12 năm trở lên; từ đủ 1 năm đến dưới 2 năm làm việc thì mức thưởng 1 tháng lương...
Đại diện công đoàn Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam cho rằng mức thưởng Tết 2023 tăng so với năm 2022 và duy trì bằng thời điểm chưa có dịch là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Thưởng Tết năm nay có ý nghĩa rất lớn, nhân đôi niềm vui cho người lao động khi không chỉ có thêm một khoản tiền để sắm Tết mà công nhân còn cảm thấy an tâm về việc làm sắp tới.
Mức thưởng Tết bình quân có thể cao hơn
Theo các chuyên gia về lao động việc làm, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp dù khó khăn vẫn duy trì thưởng Tết bằng hoặc cao hơn năm 2022 là do lao động đang phải giãn việc, giảm thu nhập nên doanh nghiệp cố gắng duy trì thưởng Tết để bù đắp cho công nhân lao động.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng năm nay mức thưởng Tết bình quân năm 2023 có thể vẫn cao hơn so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm ngành dịch vụ, xây dựng… có lợi nhuận cao hơn chắc chắn thưởng Tết sẽ cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, theo ông Trung một số doanh nghiệp gặp khó khăn thật sự trong thời gian qua thì người lao động cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp bởi các đơn vị này cũng đang nỗ lực giữ việc làm cho người lao động.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, ngoài tiền, thưởng cho người lao động có thể bằng hiện vật. Để việc thưởng bằng hiện vật có ý nghĩa, ông Trung cho rằng doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến người lao động thông qua tổ chức công đoàn cơ sở về việc thưởng bằng hiện vật để phần quà Tết của công ty sẽ thiết thực, ý nghĩa hơn./.