Thụy Điển sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn vào tháng Ba năm tới sau khi Chính phủ trung tả thiểu số của Thủ tướng Stefan Lofven sụp đổ chỉ sau hai tháng cầm quyền.
Giới quan sát nhận định quốc gia Bắc Âu vốn thanh bình này có thể sắp bước vào một giai đoạn bất ổn, sau khi đảng Dân chủ cực hữu lớn thứ ba ở Thụy Điển và có xu hướng chống nhập cư gia nhập liên minh trung hữu đối lập bỏ phiếu bác bỏ dự thảo ngân sách 2015 của chính phủ.
Thủ tướng Lofven nói ông sẽ "không để đảng Dân chủ ra điều kiện" và cho đây là điều "không có tiền lệ trong lịch sử chính trị Thụy Điển" đồng thời cho biết chính phủ sẽ từ chức.
Đây sẽ là chính phủ có thời gian cầm quyền ngắn thứ hai trong lịch sử Thụy Điển và cuộc bầu cử sắp tới sẽ là cuộc bầu cử trước thời hạn đầu tiên ở Thụy Điển kể từ năm 1958.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phe đối lập đã thành công với kế hoạch làm thất bại ngân sách của chính phủ thiểu số với sự giúp đỡ của đảng Dân chủ, chính đảng từng gây sốc chính trường Thụy Điển với vị trí thứ 3 trong cuộc bầu cử hồi tháng Chín vừa qua sau khi giành được gần 13% số phiếu bầu.
Sự trỗi dậy của chính đảng muốn cắt giảm tới 90% lượng người nhập cư này đã đẩy Thụy Điển vào một trong những cuộc khủng hoảng chính phủ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ông Mattias Karlsson, quyền lãnh đạo đảng Dân chủ, hoan nghênh cuộc bầu cử mới mà ông cho rằng sẽ là một cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề nhập cư.
Với dân số 10 triệu người, Thụy Điển hiện là quốc gia có số người nhập cư tính trên đầu người cao nhất ở châu Âu. Năm tới, dự kiến lượng người nhập cư vào Thụy Điển sẽ từ 80.000 đến 105.000 người, so với con số 18.000 người một thập kỷ trước đây và 54.000 người năm ngoái.
Phản ứng của các nhà đầu tư sau tin chính phủ sụp đổ là khá thờ ơ, với giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán Stockholm giảm chút ít nhưng sau đó lại tăng 1% vào cuối ngày.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/9 vừa qua, liên minh đỏ-xanh (đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Cánh tả) của ông Loefven đã giành chiến thắng với 43,7% số phiếu ủng hộ, đánh bại chính phủ trung hữu đương nhiệm của Thủ tướng Fredrik Reinfeldt.
Các nhà phân tích cho rằng liên minh cầm quyền chỉ chiếm thiểu số trong Quốc hội đã tạo ra một chính phủ liên hiệp yếu nhất ở Thụy Điển trong vài thập kỷ qua. Cuộc bầu cử cũng cho thấy người dân Thụy Điển đã mệt mỏi với việc cắt giảm thuế dưới thời chính phủ trung hữu, điều mà nhiều người cho rằng đã làm suy giảm hệ thống phúc lợi xã hội và giáo dục nổi tiếng của nước này. Ngoài ra, nó cũng như làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong một đất nước vốn tự hào về sự bình đẳng của người dân./.