Thụy Điển bác bỏ tin thất thiệt về cáo buộc ngược đãi trẻ em nhập cư

Những hình ảnh trong video cho thấy các nhân viên dịch vụ phúc lợi trẻ em đang cố gắng chia tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, bất chấp việc các em đang gào khóc và cha mẹ rối bời tâm can.
Thụy Điển bác bỏ tin thất thiệt về cáo buộc ngược đãi trẻ em nhập cư ảnh 1Người di cư tại khu vực Narewka, gần biên giới Ba Lan-Belarus. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Nhà chức trách Thụy Điển ngày 23/2 đã bác những thông tin thất thiệt cho rằng cơ quan phúc lợi xã hội của quốc gia Bắc Âu này đang "bắt cóc" trẻ em Hồi giáo, đồng thời chỉ trích về "âm mưu tin giả" liên quan các video đang lan truyền sự ngờ vực đối với chính sách của chính phủ đối với những gia đình nhập cư.

Các video nói trên bắt đầu xuất hiện trên các trang mạng xã hội tiếng Arab hồi cuối năm 2021, với những hình ảnh cho thấy các nhân viên dịch vụ phúc lợi trẻ em đang cố gắng chia tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, bất chấp việc các em đang gào khóc và cha mẹ rối bời tâm can.

Sau khi các hãng truyền thông Trung Đông đưa tin về những cáo buộc trên, giới chức Chính phủ Thụy Điển và các dịch vụ xã hội ở nước này đã kiên quyết phủ nhận.

Bộ trưởng Di trú và Hội nhập Anders Ygeman tuyên bố “chúng tôi tuyệt đối không làm những việc này," đồng thời nhấn mạnh mục tiêu chính của chính phủ là hỗ trợ các gia đình người nhập cư.

Cơ quan Phòng vệ Tâm lý - một cơ quan mới được thành lập của Thụy Điển, khẳng định những video trên là những đoạn ghi hình “cũ rích," với bối cảnh được dàn dựng.

[Vấn đề người di cư: Đức là điểm đến chính của người tị nạn tại châu Âu]

Magnus Ranstorp - một chuyên gia chống khủng bố thuộc Đại học Quốc phòng Thụy Điển, cho biết đứng sau chiến dịch tin giả trên là một nhóm Facebook có tên "Barnens Rattigheter Mina Rattigheter" (tạm dịch: Quyền trẻ em cũng là quyền của tôi), vốn là diễn đàn để các bậc cha mẹ tâm sự về việc phải xa lìa những đứa con của mình một cách “không thỏa đáng."

Ngoài ra, nhiều trang web tiếng Arab cũng tham gia đăng tải những thông tin tương tự, ví dụ như trang Shuoun Islamiya (Các vấn đề Hồi giáo) đã xuất bản khoảng 20 video.

Bà Julia Agha - Tổng biên tập của Alkompis, một tờ báo tiếng Arab có trụ sở tại Stockholm (Thụy Điển), cho rằng: "Ban đầu, đây có thể chỉ là một diễn đàn của các gia đình cảm thấy bị đối xử bất công và muốn chỉ trích các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, sau đó các thế lực nước ngoài dã xoay vần và đặt lên 'một bộ lọc tôn giáo' và phát tán các thông tin sai lệch dựa trên những câu chuyện này, biến chúng thành một chiến dịch bài Thụy Điển và xã hội Thụy Điển."

Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc gia của Thụy Điển - cơ quan giám sát các dịch vụ xã hội của nước này, khẳng định việc tách trẻ em ra khỏi gia đình luôn là giải pháp cuối cùng. Điều này chỉ được thực hiện "khi các biện pháp tự nguyện không hiệu quả và có nguy cơ gây tổn hại đáng kể đối với sức khỏe hoặc sự phát triển của trẻ."

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, vào năm 2020, có tổng số 9.034 trẻ em tại Thụy Điển được chăm sóc theo yêu cầu của chính phủ mà không có sự đồng ý của cha mẹ.

Thụy Điển thường được ca ngợi là quốc gia tiên phong về quyền trẻ em và là nước đầu tiên ra đạo luật cấm trừng phạt thân thể trẻ em, bao gồm cả đánh đòn, vào năm 1966. Quốc gia Bắc Âu này cũng nổi tiếng với các nỗ lực tiếp nhận và hòa nhập người nhập cư.

Trong giai đoạn từ năm 2010-2019, Thụy Điển cho phép 10,4 triệu người tị nạn tại nước này và tiến hành đoàn tụ cho hơn 400.000 gia đình người tị nạn - nhiều hơn mức bình quân đầu người của bất cứ quốc gia nào khác tại châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.