Thụy Điển đạt thỏa thuận nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thỏa thuận đạt được sau khi một nghị sỹ độc lập tuyên bố sẽ ủng hộ Bộ trưởng Tư pháp với điều kiện đảng Dân chủ xã hội cầm quyền không chấp nhận các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến gia nhập NATO.
Thụy Điển đạt thỏa thuận nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng chính trị ảnh 1Bộ trưởng Tư pháp Morgan Johansson. (Nguồn: dw.com)

Chính phủ Thụy Điển đã đạt được một thỏa thuận vào phút chót nhằm đảm bảo Bộ trưởng Tư pháp Morgan Johansson vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, tránh được nguy cơ nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị.

Thỏa thuận trên đạt được sau khi bà Amineh Kakabaveh, một nghị sỹ độc lập và từng là thành viên đảng Cánh tả, tuyên bố sẽ ủng hộ Bộ trưởng Johansson với điều kiện đảng Dân chủ xã hội cầm quyền không chấp nhận các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vấn đề gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đảng cầm quyền đã đảm bảo với nghị sỹ Kakabaveh về vấn đề này.

Dự kiến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra vào lúc 10h00 GMT ngày 7/6 (tức 17h00 - giờ Việt Nam) theo đề nghị của đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển. Đảng này cáo buộc Bộ trưởng Johansson không ngăn chặn được tình trạng bạo lực băng đảng gia tăng trong những năm gần đây liên quan tới các tổ chức tội phạm ma túy.

Các đảng gồm đảng Trung dung theo đường lối bảo thủ, đảng Tự do và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo tuyên bố ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

[Chính phủ Thụy Điển đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm]

Cùng với đảng Dân chủ Thụy Điển, 4 đảng này kiểm soát 174 ghế tại Quốc hội Thụy Điển và cần thêm ý kiến ủng hộ của một nghị sỹ để kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua, dẫn tới việc Bộ trưởng Johansson sẽ phải từ chức.

Tuần trước, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã tuyên bố sẽ từ chức nếu Quốc hội bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Johansson. Bà khẳng định mọi quyết định của chính phủ đều được đưa ra một cách dân chủ và là quyết định tập thể.

Nghị sỹ Kakabaveh là người Thụy Điển gốc người Kurd ở Iran. Nữ chính khách này đã trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường Thụy Điển sau khi nước này xin gia nhập NATO và vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề người Kurd và đảng Công nhân người Kurd (PKK), bị Ankara liệt vào danh sách “tổ chức khủng bố."

Bà luôn bày tỏ quan điểm phản đối các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.