Thụy Sĩ vẫn giữ vị trí hàng đầu trên thế giới về năng lực cạnh tranh

Thụy Sĩ giữ vị trí đứng đầu là nhờ nền kinh tế được hưởng lợi từ sự minh bạch của các cơ quan, tổ chức quốc gia, từ tính hiệu quả của thị trường lao động và hệ thống cơ sở vật chất tốt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: theswissrock.wordpress.com)

Thụy Sĩ vẫn giữ vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng Diễn đàn Kinh tế tế giới (WEF) về Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu của 138 nền kinh tế.

Thông báo của WEF công bố ngày 28/9 cho biết Thụy Sĩ giữ vị trí đứng đầu là nhờ nền kinh tế được hưởng lợi từ sự minh bạch của các cơ quan, tổ chức quốc gia, từ tính hiệu quả của thị trường lao động và hệ thống cơ sở vật chất tốt.

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn sở hữu một hệ thống giáo dục hàng đầu và khả năng sáng tạo tuyệt vời.

Với những nền tảng chắc chắn như vậy, quốc gia Tây Âu này tiếp tục giữ vị trí hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh từ năm 2007.

Mặc dù vậy, bên cạnh những lợi thế này, nền kinh tế Thụy Sĩ vẫn tồn tại một số vấn đề như: tình trạng giảm phát kéo dài, thiếu cạnh tranh trong một vài thị trường, những cản trở đối với việc thành lập doanh nghiệp và sự tham gia của nữ giới vào thị trường lao động còn thấp so với các nền kinh tế khác trên thế giới.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là Singapore và thứ 3 là Mỹ. Hà Lan và Đức lần lượt xếp vị trí thứ 4 và 5.

Thụy Điển và Anh lần lượt ở vị trí thứ 6 và thứ 7, đều tăng 3 bậc so với bảng xếp hạng trước đó.

Trong khi Đức chiếm vị trí thứ 5 thì Pháp đứng thứ 21, Séc đứng thứ 31, Tây Ban Nha đứng thứ 32 và Italy xếp hạng 44. Hy Lạp tụt 5 bậc và đứng ở vị trí 86.

Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc) và Phần Lan là ba quốc gia còn lại trong top 10.

Trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Trung Quốc đứng đầu khối ở vị trí 28, Ấn Độ có bước tiến rõ rệt với vị trí thứ 39 (tăng 16 bậc), Nga đứng thứ 43, Nam Phi đứng thứ 47 (hai quốc gia này đều tăng 2 bậc), Brazil tụt 6 bậc và đứng thứ 81.

Trong số các nước Arab, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) xếp thứ 16, Qatar thứ 18 và Saudi Arabia đứng thứ 29. Ở châu Mỹ La tinh, Chile chiếm vị trí thứ 33.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đứng vị trí 25, Thái Lan (34), Indonesia (41), Lào (93), Campuchia (89) và Việt Nam (60).

WEF đã đánh giá năng lực cạnh tranh của 138 quốc gia, dựa trên nhiều yếu tố khác nhau bao gồm cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và tính hiệu quả của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục