Tiền điện tử có thể giúp tỷ phú Nga tránh trừng phạt của phương Tây

Các tỷ phú Nga có khả năng tránh được lệnh trừng phạt, nếu họ chọn sử dụng tiền điện tử, vốn sử dụng công nghệ blockchain để giữ cho mọi giao dịch hoàn toàn ẩn danh.
Tiền điện tử có thể giúp tỷ phú Nga tránh trừng phạt của phương Tây ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo nhà báo Misyrlena Egkolfopoulou của hãng Bloomberg, tiền điện tử có thể giúp Nga và các tỷ phú của nước này giảm bớt tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong bài phân tích đăng tải trên tờ Australian Financial Review, tác giả Egkolfopoulou viết ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã ban hành “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ” để đáp trả việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Các lệnh trừng phạt chủ yếu gây hạn chế khả năng kinh doanh bằng đồng USD và các loại tiền tệ quốc tế khác, bao gồm cả các hình phạt áp dụng cho 5 ngân hàng lớn của Nga, có tổng tài sản ước tính đạt 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, ông Biden cũng cảnh báo một loạt các cá nhân thuộc giới tinh hoa Nga và thành viên gia đình của họ đã bị nhắm mục tiêu và sẽ xem xét đưa thêm vào danh sách trừng phạt.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt có khả năng ít tác dụng hơn ở một quốc gia đang thực hiện các bước để hợp thức hóa tiền điện tử và tại một nơi mà các tài sản kỹ thuật số đã được sở hữu rộng rãi.

Thông thường, các quốc gia sẽ sử dụng giải pháp vật lý để tránh các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như Venezuela và Triều Tiên sử dụng phương thức vận chuyển nhiên liệu từ tàu sang tàu, nhưng các tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử và các sàn giao dịch phi tập trung có thể trở thành cách thức hiệu quả nhất để giúp các quốc gia và cá nhân tránh lệnh trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt đối với những công ty và cá nhân Nga, về cơ bản có thể khiến họ không thể rời khỏi phương Tây. Các tỷ phú, một số người trong số họ đã bị nhắm mục tiêu trực tiếp, có khả năng tránh được lệnh trừng phạt, nếu họ chọn sử dụng tiền điện tử, vốn sử dụng công nghệ blockchain để giữ cho mọi giao dịch hoàn toàn ẩn danh.

Tiền điện tử có thể giúp họ mua hàng hóa và dịch vụ, thậm chí cả đầu tư vào tài sản bên ngoài nước Nga - tất cả đều tránh được việc các ngân hàng hoặc tổ chức tuân thủ lệnh trừng phạt có thể theo dõi các giao dịch của họ.

Ông Mati Greenspan, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành văn phòng của Công ty tư vấn tài chính Quantum Economics, nói: “Nếu hai người hoặc các tổ chức muốn giao dịch thương mại với nhau, mà không có khả năng thực hiện thông qua các ngân hàng, họ có thể làm điều đó với đồng bitcoin. Nếu một cá nhân giàu có lo ngại rằng tài khoản của họ có thể bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt, họ đơn giản là chuyển sang lưu trữ đồng bitcoin, để bảo vệ tài sản của mình khỏi các lệnh trừng phạt như vậy."

Cách thức hóa giải lệnh trừng phạt

Không giống như tiền pháp định (fiat), cần phải được giao dịch thông qua các tổ chức thứ ba có khả năng theo dõi, đóng băng hoặc ngăn chặn giao dịch, tiền điện tử có thể được gửi trực tiếp từ người này sang người khác, mà không lo ngại về bất kể lệnh trừng phạt hay hạn chế nào mà các chính phủ khác nhau có thể áp dụng.

Chủ sở hữu tiền điện tử cũng có thể thiết lập một mạng lưới ví điện tử, với các địa chỉ số khác nhau, trên một vài sàn giao dịch, khiến việc theo dõi các hoạt động nào trở nên cực kỳ khó khăn và thậm chí khó chứng minh sự liên kết giữa các giao dịch với một cá nhân cụ thể.

Ngoài ra, họ có thể chọn các sàn giao dịch tiền điện tử không có trụ sở tại các khu vực pháp lý đang áp đặt những biện pháp trừng phạt và do đó không nhất thiết phải tuân thủ các quy định.

[Anh áp đặt các lệnh trừng phạt với 5 ngân hàng và 3 cá nhân Nga]

Nhưng nhiều chuyên gia cho biết bất kỳ tài sản nào đang được giữ dưới dạng tiền điện tử cũng không dễ dàng để có thể chuyển đổi sang thành tiền pháp định. Điều này khiến hoạt động giao dịch tiền điện tử bị hạn chế.

Để vượt qua sự kiểm soát của các ngân hàng hay thậm chí là các sàn giao dịch tập trung đang tuân thủ theo lệnh trừng phạt, các cá nhân sẽ phải thuyết phục bất kỳ dịch vụ nào mà họ đang trao đổi thương mại, chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số. Điều này có thể là một khó khăn.

Cho đến nay, chưa có một tỷ phú nào, nằm trong danh sách bị trừng phạt trước ngày 24/2, tiết lộ công khai liệu họ có phải là chủ sở hữu tiền điện tử hay không.

Ông David Tawil, Chủ tịch của công ty đầu tư tiền điện tử ProChain Capital, cho biết chắc chắn rằng vẫn có cách để các chính phủ áp đặt quy định đối với việc nắm giữ tiền điện tử trên các sàn giao dịch tập trung.

Ông đề cập đến các biện pháp kiểm soát gần đây của Chính phủ Canada đối với các tài khoản tiền điện tử, thuộc sở hữu của các tài xế xe tải, những người đang nhận tiền để hỗ trợ phong tỏa các cửa khẩu biên giới Mỹ-Canada và tiến hành một cuộc biểu tình kéo dài một tuần lễ ở thủ đô Ottawa.

Chuyên gia Brett Harrison, chủ tịch sàn giao dịch tiền điện tử FTX US, cho rằng quan niệm có thể dễ dàng rửa tiền thông qua tiền điện tử là sai lầm. Ông lý giải các sàn giao dịch có quyền truy cập vào một số công nghệ, cho phép theo dõi và sàng lọc các ví điện tử đến từ những quốc gia chịu lệnh trừng phạt. Các cá nhân chuyển đổi tiền điện tử sang tiền pháp định sẽ khó có thể thực hiện giao dịch thông qua các sàn giao dịch tập trung mà không bị phát hiện - về cơ bản điều này khiến họ khó trao đổi hay chi tiêu bằng tiền điện tử hơn.

Ông Harrison nói: “Thứ có thể được ngăn chặn được là tiền sẽ hoàn toàn rời khỏi sàn giao dịch, nơi mà các biện pháp trừng phạt thích hợp được duy trì một cách hợp lý. Ngay khi tiền di chuyển đến bất kỳ đâu, mọi người đều có thể nhìn thấy chúng, vì chúng nằm trên chuỗi blockchain công cộng, nhưng ngay cả khi họ có thể di chuyển tiền, thì không có sàn giao dịch nào cho phép họ chuyển đổi chúng thành một loại tiền pháp định và tại lần giao dịch thứ hai này họ sẽ bị phát hiện và thu giữ."

Ông Harrison cho biết các cơ quan thực thi pháp luật ở một số địa phương và quốc gia khác nhau thường xuyên liên lạc với FTX, liên quan tới các sắc lệnh của tòa án, yêu cầu thu giữ tiền từ một số tài khoản điện tử. Mức độ kiểm soát tiền điện tử có thể được quan sát thấy từ vụ bắt giữ gần đây đối với hai cá nhân liên quan đến vụ hack Bitfinex năm 2016. Trong đó, Chính phủ Mỹ có thể theo dõi hoạt động của một số ví tiền điện tử nhất định và kết quả là kịp thời đóng băng tài khoản ngay sau khi tiền điện tử được chuyển đổi thành tiền pháp định.

Hợp pháp hóa tiền điện tử

Tình trạng pháp lý của tiền điện tử ở Nga đang thay đổi, với việc chính phủ nước này cố gắng thúc đẩy quá trình hợp pháp hóa tiền điện tử, nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài và đưa giao dịch trong nước ra ngoài “bóng tối." Mặc dù vậy, Ngân hàng trung ương Nga cho rằng điều này là không khả thi và nên bị cấm. Tháng trước, Tổng thống Nga Putin đã ra lệnh cho ngân hàng trung ương cần sớm đi đến một thỏa hiệp chung, nhưng các quan chức chính phủ hàng đầu nước này cho đến nay vẫn chưa thống nhất về cách thức điều chỉnh tiền điện tử.

Tiền điện tử có thể giúp tỷ phú Nga tránh trừng phạt của phương Tây ảnh 2Đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhưng hàng triệu người Nga đã và đang “đắm chìm” trong thế giới kỹ thuật số. Theo một bài báo của Nga gần đây cho biết người dân nước này sở hữu hơn 2.000 tỷ ruble (22,9 tỷ USD) tiền điện tử.

Dữ liệu từ cổng thanh toán TripleA có trụ sở tại Singapore tiết lộ hơn 17 triệu người Nga, chiếm khoảng 12% tổng dân số, là chủ sở hữu của các loại tài sản tiền điện tử. Với các lệnh trừng phạt khác hiện vẫn đang trong trạng thái “treo”, đây có thể là một lợi thế của nước Nga, cho phép các cá nhân giàu có có thể giao dịch tiền điện tử, bất kể tình trạng pháp lý của các loại tiền này.

Chủ tịch công ty đầu tư tiền điện tử ProChain Capital, David Tawil cho biết: “Có những suy nghĩ trái ngược nhau cũng không sao và họ sẽ giải quyết vấn đề khi họ có thể giải quyết vấn đề”. Ông giải thích ngay cả Mỹ cũng đã phải vật lộn để xác định khung pháp lý và các quy định xung quanh tiền điện tử. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng phần lớn hoạt động tiền điện tử ở Nga thực sự bắt nhịp với chính phủ.”

Các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ cũng đang chú ý nhiều hơn đến tiền điện tử. Gần đây Quốc hội Ukraine đã ủng hộ dự luật hợp pháp hóa tiền điện tử, trong khi Kazakhstan đang nỗ lực nâng cao quản lý và đánh thuế đối với ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử đang bùng nổ của nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.