Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết dù chịu ảnh hưởng của hạn, mặn và dịch bệnh COVID-19 nhưng hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn vẫn đạt kết quả khả quan.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã có nghị quyết cho phép Ủy ban Nhân dân tỉnh được quyền điều chuyển vốn xây dựng cơ bản. Đây là nghị quyết rất linh hoạt, tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án.
Năm 2020, nguồn vốn đầu tư công của Tiền Giang hơn 5.715 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm 2019; trong đó, nguồn vốn tăng thu, kết dư và huy động khác khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là năm nguồn vốn đầu tư công cao nhất.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm được đảm bảo tiến độ thi công như Dự án mở rộng Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Tiền Giang giai đoạn 1 với kinh phí 105 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng đang được đảm bảo tiến độ thi công so với kế hoạch; khối lượng thực hiện đạt 28% và dự kiến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành thi công phần khung, đưa vào vận hành vào cuối tháng 11/2021...
Để đảm bảo mục tiêu cuối tháng 11/2020 giải ngân 100% vốn đầu tư công, những tháng còn lại, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trong kế hoạch.
[Tiền Giang: Khắc phục khó khăn, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng]
Đặc biệt, các công trình trường học phải hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học mới 2020-2021; đồng thời, có kế hoạch giải ngân cho từng dự án, yêu cầu nhà thầu thi công cam kết tiến độ giải ngân cụ thể.
Trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, tỉnh sẽ xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Văn Hưởng chỉ đạo.
Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, tổng giá trị khối lượng xây dựng cơ bản của tỉnh thực hiện từ đầu năm đến nay khoảng 3.140 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 2.855 tỷ đồng (chưa bao gồm tạm ứng quỹ phát triển đất là 135,8 tỷ đồng). Con số này đạt 50% kế hoạch và khối lượng tăng 1,9 lần so với cùng kỳ.
Số liệu từ Bộ Tài chính cũng ghi nhận, tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 của Tiền Giang đứng thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước.
Đã có 17/38 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 trên 50%; trong đó, 8/38 chủ đầu tư đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 từ 30-50% và 13/38 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 30%.
Là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Công Đông Lê Văn Việt chia sẻ, huyện đã triển khai thực hiện 85 dự án, công trình được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công gồm 55 công trình chuyển tiếp và 30 công trình khởi công mới với tổng nguồn vốn được giao trên 257 tỷ đồng.
Đến nay, tổng giá trị giải ngân khoảng 177 tỷ đồng, đạt 68,9%. Kinh nghiệm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản là phải chuẩn bị nhanh hồ sơ đầu tư, đấu thầu đến khâu giải phóng mặt bằng. Giai đoạn thi công tập trung vào khâu kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để đảm bảo tiến độ.
Gò Công Đông là huyện đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn từ một số công trình thừa vốn sang các công trình có nhu cầu để thanh toán các khối lượng hiện hành, đảm bảo đến ngày 30/11 địa phương sẽ giải ngân hết 100% vốn.
Tại huyện Cái Bè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nguyễn Văn Nha cho biết, đến thời điểm đã giải ngân được khoảng 50% tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản tỉnh giao và nguồn vốn của huyện. Để đạt được kết quả này, huyện thường xuyên làm việc với Kho bạc Nhà nước để nhận sự hỗ trợ và bám sát kết quả giải ngân của từng dự án theo từng tháng.
Trên cơ sở đó, huyện tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn./.