Tiến trình hòa giải Palestine đạt tiến bộ quan trọng

Hai phong trào đối địch Fatah và Hamas đã đạt được tiến bộ quan trọng trong các cuộc hòa đàm và sắp thực hiện các thỏa thuận ký kết trước đây.

Truyền thông Palestine ngày 11/2 cho biết hai phong trào đối địch Fatah và Hamas đã đạt được tiến bộ quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa giải được tổ chức tại Dải Gaza và sắp thực hiện các thỏa thuận ký kết trước đây.

Ông Nabil Shaath, Trưởng đoàn đàm phán hòa giải của Fatah, khẳng định hai bên đã sẵn sàng để chấm dứt sự chia rẽ, trong khi Tổng thống Chính quyền Palestine (PA) Mahmoud Abbas rất lạc quan về khả năng sớm đạt được hòa giải.

Ông Shaath cho biết phong trào Hamas đã nhất trí thành lập ngay một chính phủ đoàn kết dân tộc do ông Abbas đứng đầu, sau đó sẽ tiến hành các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống trong vòng sáu tháng.

Các cuộc bầu cử cũng sẽ được tổ chức cho Hội đồng Dân tộc Palestine - cơ quan lập pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), với sự tham gia của người tị nạn Palestine.

Tổng thống Abbas dự kiến sẽ cử một quan chức cấp cao Fatah phụ trách đàm phán với Hamas tới Gaza để thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận này.

Nhật báo al-Ayyam của Palestine dẫn các nguồn tin chính trị cho biết, về phần mình, Hamas lo ngại rằng khoảng 55.000 công chức đang làm việc tại Gaza sẽ thất nghiệp sau khi thực hiện thỏa thuận hòa giải với Fatah. Hamas muốn những công chức này hợp nhất vào bộ máy hành chính PA, mặc dù Fatah không đưa ra đảm bảo về vấn đề này.

Hai phong trào Palestine này chia rẽ kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza tháng 6/2007, một năm sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dẫn tới xung đột giữa hai phái. Hai bên đã ký kết một loạt thỏa thuận hòa giải nhưng chưa thực hiện.

Liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông, đề cập nội dung thỏa thuận hòa bình khung giữa Palestine và Israel, dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố trong vài tuần tới, ông Shaath cho biết Tổng thống Palestine Abbas sẽ không thể chấp nhận nhiều điều kiện của Mỹ, bao gồm việc công nhận Israel là nhà nước Do Thái, để lại một số người định cư ở Bờ Tây và kéo dài sự hiện diện quân sự của Israel ở thung lũng Jordan.

Nhật báo al-Quds al-Arabi dẫn lời ông Shaath nói rằng các cuộc thương lượng sẽ không được kéo dài quá khung thời gian chín tháng đã định. Ông cũng nêu rõ người Palestine sẽ sẵn sàng cho tình huống bị cắt viện trợ nước ngoài khi từ chối chấp nhận các điều kiện của Mỹ.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa thông báo với Nhà Trắng và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc ông chấp thuận trên nguyên tắc thỏa thuận khung nói trên.

Động thái này diễn ra sau khi có tin Thủ tướng Netanyahu sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm tới Mỹ vào tuần đầu tiên của tháng Ba.

Trong các cuộc dàn xếp cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Obama, văn phòng của ông Netanyahu và Đại sứ quán Israel tại Mỹ đã yêu cầu Washington hoãn công bố thỏa thuận khung của ông Kerry cho đến giữa tháng Tư trong kỳ nghỉ lễ của Israel.

Điều này sẽ cho phép ông Netanyahu có thêm thời gian để trình bày trước Quốc hội Israel về lý do chấp nhận thỏa thuận nói trên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.