Tiếp sức cho học sinh nghèo, khó khăn vùng cao đến trường

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đỡ đầu, giúp hàng nghìn học sinh nghèo, khó khăn, học sinh mồ côi ở vùng cao được đến trường với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.
Tiếp sức cho học sinh nghèo, khó khăn vùng cao đến trường ảnh 1Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ Biên phòng tại tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình Con nuôi Đồn Biên phòng và Nâng bước em tới trường. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Những ngày này, hàng triệu học sinh trên cả nước, trong đó có trẻ em vùng cao, vùng biên giới đang háo hức hướng về ngày khai giảng năm học mới - Ngày Toàn dân Đưa Trẻ đến Trường.

Để tiếp sức cho học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi ở vùng sâu, vùng xa, trên con đường “chinh phục” con chữ, có cơ hội được đến trường học tập, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường,”“Con nuôi đồn Biên phòng” trong toàn lực lượng.

Chương trình góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng với chính quyền và nhân dân, góp phần tạo nguồn nhân lực cho các địa phương xây dựng, phát triển vùng biên giới ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Điểm tựa vững chắc của học sinh vùng cao

Với tình cảm gắn bó, sự tri ân sâu sắc với đồng bào các dân tộc thiểu số, thông qua những việc làm thầm lặng mà thiết thực, hiệu quả, những người lính mang “quân hàm xanh” đã và đang chắp cánh ước mơ chinh phục con chữ của các học sinh vùng cao, vùng biên giới, hải đảo trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và tinh thần “Trao con chữ, truyền hy vọng,” năm 2016, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phát động, triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” nhằm giúp đỡ học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số... Từ đó đến nay, toàn lực lượng đã đỡ đầu hàng nghìn học sinh với tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.

[Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng trẻ em vùng biên giới Kon Tum]

Triển khai Chương trình, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã linh hoạt, sáng tạo nhiều mô hình, cách làm hiệu quả như Mô hình “Bữa sáng cho em” (Biên phòng Sơn La), “Bánh mỳ bộ đội” (Biên phòng Quảng Trị), “Bếp ăn tình thương” (Biên phòng Gia Lai)…

Từ thực tế nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa... mặc dù đã được hỗ trợ, giúp đỡ nhưng vẫn có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát động chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng.”

Hiện các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 388 cháu (230 cháu nuôi tại Đồn, 158 cháu nuôi tại nhà), trong số đó có nhiều cháu con liệt sỹ, mồ côi cả cha và mẹ, mồ côi cha hoặc mẹ.

Các cháu được bố trí nơi ăn nghỉ, góc học tập riêng, được bộ đội kèm cặp, giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành người có ích cho xã hội, là lớp người kế cận tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của Chương trình, Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết, Chương trình “Nâng bước em tới trường,” “Con nuôi đồn Biên phòng” có quy mô rất rộng, được triển khai tại 44 tỉnh, thành phố biên giới và tất cả các đơn vị Bộ đội Biên phòng.

Để thực hiện tốt Chương trình đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã vận động cán bộ, chiến sỹ tự nguyện đóng góp kinh phí và tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, toàn lực lượng cũng tích cực phối hợp, tuyên truyền, vận động cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường ở khu vực biên giới; huy động nguồn lực từ các đơn vị trong và ngoài Quân đội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, quà tặng cho các cháu.

Với tinh thần “tương thân, tương ái,” “lá lành đùm lá rách,” nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ đơn vị Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu như Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và lãnh đạo các địa phương, các ngành.

Có những Thủ trưởng Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu từ 5-10 cháu ở địa bàn biên giới. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cũng nhận đỡ đầu 2 cháu ở khu vực biên giới của tỉnh.

Theo Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, trong quá trình thực hiện, Chương trình còn một số khó khăn như đa số các cháu tuổi còn nhỏ, quen sinh hoạt tự do, không theo nền nếp, quy định chung của đơn vị nên mất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động gia đình cũng như chỉ bảo, hướng dẫn các cháu.

Ở địa bàn biên giới xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, các Đồn Biên phòng cũng phân công, bố trí cán bộ có khả năng và phù hợp để thực hiện chức năng của “người cha Biên phòng,” đưa đón đi học, tận tình chỉ dạy các cháu từ việc học tập, kỹ năng sống, giao tiếp đến nền nếp sinh hoạt hằng ngày...

Tiếp sức cho học sinh nghèo, khó khăn vùng cao đến trường ảnh 2Em Nguyễn Thị Ánh, học sinh lớp 4/4, Trường tiểu học và trung học cơ sở Vĩnh Điều, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, được Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, tỉnh Kiên Giang hỗ trợ tiền hàng tháng. (Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt/TTXVN)

Nhờ sự tin yêu của đồng bào nơi biên giới, sự đồng hành, ủng hộ các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và tổ chức, cá nhân, Chương trình "Nâng bước em tới trường,” “Con nuôi đồn Biên phòng” có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Thông tin về kết quả thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường,” “Con nuôi đồn Biên phòng," Thiếu tướng Văn Ngọc Quế chia sẻ rất phấn khởi là kết quả học tập, rèn luyện của các cháu được đỡ đầu, hỗ trợ trong Chương trình đều được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đạt học sinh khá, giỏi ngày càng cao.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thông qua chương trình, hơn 80 cháu học sinh nghèo, khó khăn, có nguy cơ bỏ học ở khu vực biên giới đã nỗ lực học tập, đoạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi các cấp; gần 5.000 lượt cháu đạt danh hiệu học sinh Giỏi cấp trường; 208 cháu đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, trong đó nhiều cháu đạt điểm cao.

Hiệu quả của Chương trình không chỉ thể hiện qua kết quả học tập, rèn luyện tiến bộ của các cháu mà “trái ngọt” còn là việc xây dựng, góp phần phát triển bền vững, lâu dài vùng biên giới, hải đảo. Từ việc được đỡ đầu, nuôi dưỡng, nhiều cháu có nguyện vọng sau này trở thành người lính Biên phòng.

Đây chính là sự “ươm mầm - xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp” cho tương lai. Qua đó, mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa Quân đội, Bộ đội Biên phòng với nhân dân được củng cố, tăng cường, đồng thời xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đánh giá về Chương trình này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai khẳng định, với Chương trình “Nâng bước em tới trường,” học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sách vở, quần áo, tài chính… Không những thế, các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh còn thực hiện Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và mô hình “Bếp ăn tình thương.”

Đó là những việc làm rất ý nghĩa, nguồn động viên, chia sẻ lớn để các em thêm vững vàng, vượt qua khó khăn học tập tốt hơn. Chương trình hỗ trợ tích cực cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch huy động và duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ hiệu quả thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng,” Bộ Quốc phòng đã đề xuất Chính phủ phê duyệt Dự án “Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nâng bước em tới trường” và giao Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng là cơ quan thường trực, phối hợp với các đơn vị tham mưu, triển khai thực hiện.

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và trực tiếp là Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng để hướng dẫn, triển khai tới tất cả các đơn vị trong Quân đội.

Riêng chương trình này, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác định là không gắn với chương trình trước. Chương trình “Nâng bước em tới trường,” “Con nuôi Đồn Biên phòng” vẫn tiếp tục thực hiện, còn Chương trình này triển khai theo Dự án của Chính phủ.

Thực hiện Dự án, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, cho Ban Chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với tất cả đơn vị, địa phương, nhà trường ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo khảo sát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng. Sau đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động đến các cấp, ngành, địa phương để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất.

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình quan tâm, chăm lo, động viên, định hướng nghề nghiệp để các cháu nỗ lực học tập, vươn lên; có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh có thành tích học tập tốt để xây dựng nguồn cán bộ cho địa phương.

Bộ đội Biên phòng cũng tích cực tham mưu cho các địa phương định hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển cho các cháu; gắn thực hiện Dự án với các phong trào, mô hình, chương trình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, với phương châm “thực tâm, thực chất, trách nhiệm, hiệu quả.”

Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng có kế hoạch phối hợp với các cấp, ngành biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân, các cháu có thành tích tốt, đặc biệt là nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình.

Nhân lên những niềm vui

Thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường,” “Con nuôi đồn Biên phòng," cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng trong toàn lực lượng đã linh hoạt, sáng tạo nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, quan tâm kèm cặp, giúp đỡ các cháu học sinh nghèo, trẻ em mồ côi ở vùng sâu, vùng xa vượt qua hoàn cảnh khó khăn để đến trường, học tập, rèn luyện tốt.

Tiếp sức cho học sinh nghèo, khó khăn vùng cao đến trường ảnh 3Trung úy Hoàng Như Thanh (Đội trưởng Đội vũ trang-Đồn Biên phòng Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) phụ trách đưa đón và kèm cặp em A Ứng (12 tuổi) trong quá trình học tập. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Hằng ngày, sau giờ tan học, Vàng A Dè, Vàng A Hùng (dân tộc Mông) con nuôi của Đồn Biên phòng Xuân Trường (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) lại cùng các chú bộ đội chăm sóc vườn rau trong đơn vị. Ba năm nay, những người lính Biên phòng đã quen với sự có mặt của hai đứa trẻ vốn thiếu thốn tình cảm này.

Với vốn tiếng Việt còn hạn chế, anh Vàng A Cự (bố cháu Vàng A Dè) xúc động chia sẻ: "Cháu rất thiếu thốn tình cảm, mẹ mất lúc chưa tròn một tuổi. Gia đình quá khó khăn, anh đưa cháu về làm con nuôi của Bộ đội Biên phòng Xuân Trường với mong muốn con được học chữ, những điều hay lẽ phải, lớn lên sẽ trở thành người có ích cho xã hội."

Thời gian dần trôi, từ một cậu bé không biết nói tiếng Việt, thân hình gầy gò, giờ đây, Vàng A Dè đã trở thành cậu học trò phổng phao, chăm chỉ, chuẩn bị hành trang bước vào lớp 5.

Ở ngôi nhà thứ hai, sau bữa cơm tối cùng những “người cha Biên phòng”, Vàng A Dè cùng người bạn Vàng A Hùng lại tự giác học bài. Các “bố nuôi Biên phòng” tận tình dạy bảo, hướng dẫn hai cậu bé học và làm bài tập.

Đại úy Nguyễn Vũ Lê, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Xuân Trường cho biết hiện Đồn đang nuôi dưỡng 2 cháu thuộc xã Xuân Trường. Các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đảm bảo đời sống, chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ cho các con nuôi đồn Biên phòng. Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Xuân Trường, tạo điều kiện tốt nhất cho hai con nuôi đồn Biên phòng học tập.

Trong năm học vừa qua, hai cháu đạt kết quả học tập khá. Đó là niềm động viên để cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh ở vùng biên giới, góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Thực hiện Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng,” các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã nhận nuôi 31 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới. Tổng số tiền huy động được trích từ tiền lương hàng tháng của cán bộ, chiến sỹ, cùng sự tài trợ của các nhà hảo tâm thực hiện Chương trình là trên 1,2 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Lương Tuấn Long, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với gia đình, nhà trường, địa phương động viên, khuyến khích các cháu đạt kết quả học tập cao hơn; chú trọng, bồi dưỡng các cháu trở thành con ngoan trò giỏi, những tấm gương sáng ở vùng biên giới. Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đưa được nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn thực hiện chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng.”

Chúng tôi theo chân cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng Gia Lai) đến làng Mook Trêl, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ thăm hai chị em Siu H'Diễm, Siu H'Dịp, người dân tộc Jrai.

Gia đình khó khăn, hai chị em được các chú Bộ đội Biên phòng hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường.” Trong câu chuyện rôm rả, Siu H'Diễm khoe với các chú bộ đội niềm vui vừa nhận tấm bằng Cử nhân Luật (Đại học Huế) loại Khá.

Siu H'Diễm bày tỏ sự biết ơn các chú Bộ đội Biên phòng đã giúp em đạt được ước mơ, trở thành người có ích cho xã hội. Siu H'Diễm hứa sẽ áp dụng kiến thức mình đã học trên giảng đường đại học để giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, có cuộc sống tốt hơn.

Tuy thường xuyên gọi điện thoại nhưng Siu H'Diễm vẫn có thói quen viết thư cho các chú Bộ đội Biên phòng để hỏi thăm tình hình sức khỏe của các chú. Trong thư, Siu H'Diễm chia sẻ nhờ được các chú Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, cháu đã tốt nghiệp Đại học, hoàn thành ước mơ nghề nghiệp của mình. Cháu cảm ơn các chú đã hỗ trợ thiết thực để cháu được đến trường. Đó là động lực để cháu phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Cháu luôn nhớ đến các chú.

Lần nào nhận thư, các chú Bộ đội Biên phòng cũng đọc to cho nhau nghe như lời cổ vũ, động viên tập thể cùng cố gắng tiếp sức cho nhiều học sinh khó khăn hơn nữa.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiều, Phó đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) cho biết khi tới từng thôn, bản, thấy hoàn cảnh nhiều cháu rất khó khăn, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đã thống nhất đóng góp phần lương nhỏ để mua sắm sách vở, hỗ trợ học sinh đến trường. Từ nguồn động viên đó, nhiều cháu đã tiến bộ trên con đường học tập, mở ra tương lai tươi sáng hơn.

Nhấn mạnh về vai trò, sức lan tỏa của Chương trình, bà Đoàn Thị Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ khẳng định chương trình đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền, nhà trường đoàn kết gắn bó, tạo môi trường học tập cho các cháu tốt hơn.

Gia đình có 5 anh chị em, cuộc sống rất khó khăn, học hết lớp 1, cháu Siu Niên, sinh năm 2013, người dân tộc Jrai ở làng biên giới Goong, xã Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai) phải bỏ học một năm.

Khi biết hoàn cảnh đó, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch đến động viên gia đình cho Siu Niên tiếp tục đến trường với sự hỗ trợ từ Chương trình “Nâng bước em tới trường.”

Ngoài hỗ trợ mỗi tháng 500 nghìn đồng, vào đầu năm học, các chú Bộ đội Biên phòng cũng vận động nhà hảo tâm ủng hộ để có thêm quần áo, sách vở, giúp Siu Niên tiếp nối ước mơ được đến trường.

Triển khai từ năm 2016, đến nay, Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã hỗ trợ cho 52 học sinh khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập (trong đó có 45 em ở địa bàn các xã biên giới) với kinh phí đóng góp từ cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cho đến các Đồn, Tổ công tác địa bàn đóng quân trải dài khắp 90km đường biên giới của tỉnh Gia Lai, tổng số tiền trên 300 triệu đồng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường,” Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn và hiệu quả thiết thực của Chương trình đến cán bộ, đồng bào khu vực biên giới; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị; phân công giao nhiệm vụ, kèm cặp các cháu tiến bộ, trưởng thành.

Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, địa phương thường xuyên nắm kết quả học tập và rèn luyện của từng cháu, động viên học sinh nỗ lực trong học tập; hằng năm tổ chức gặp mặt, biểu dương, tặng quà, động viên các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa từ các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, vật chất để hỗ trợ, giúp đỡ thêm cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường.

Nhờ tình yêu thương và trách nhiệm của những “người cha mang quân hàm xanh”, nhiều học sinh ở khu vực biên giới đã có điều kiện theo đuổi ước mơ chinh phục con chữ của mình. Con đường đến trường của các em sẽ tiếp tục được vun đắp bằng tình cảm, tinh thần trách nhiệm của những người lính Biên phòng.

Có thể mai đây, trong số những đứa trẻ được hỗ trợ hôm nay, có cháu sẽ tiếp bước các chú, trở thành người lính Biên phòng, ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Những người lính lại tiếp thêm động lực cho học sinh vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vươn lên đạt thành tích tốt trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội, hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục