Tình trạng tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Nhân “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” 30/7, Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình và công tác phòng, chống mua bán người thời gian qua cũng như sắp tới.
Gần 2.000 người là nạn nhân của mua, bán người
Tháng 5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người," trùng với “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” được Liên hợp quốc chọn từ năm 2013, nhằm thể hiện những cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng chung tay với cộng đồng quốc tế chống lại nạn mua, bán người - một trong những vấn nạn toàn cầu mang lại nguồn thu lợi bất chính cho tội phạm chỉ sau mua bán ma túy và vũ khí.
Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan, với tư cách là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Cục Lãnh sự đã tích cực cùng với cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn của Việt Nam nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cho biết Cục Lãnh sự nhận thấy với định hướng đến năm 2030, Chương trình đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mới như xây dựng dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người; xây dựng nội dung tuyên truyền định kỳ về kết quả phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an; nghiên cứu thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán.
Đặc biệt, Chương trình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho nhiều bộ, cơ quan liên quan, ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mua bán người trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác thủy sản, phối hợp với các cơ quan liên quan phòng, chống sử dụng lao động cưỡng bức trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý; Bộ Ngoại giao chủ trì tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chủ trương, chính sách về các vấn đề di cư quốc tế nhằm nâng cao công tác quản lý di cư quốc tế, góp phần ngăn chặn nguy cơ mua bán người.
[Infographics] Việt Nam luôn nỗ lực ngăn chặn mua bán người
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cho biết thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai các nhiệm vụ phòng, chống mua bán người, trong đó chú trọng tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ ngoại giao về phòng, chống mua bán người, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này tại các cơ chế, diễn đàn song phương, khu vực mà Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) có vai trò điều phối.
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan chức năng sở tại và trong nước để tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng như những người nghi là nạn nhân; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại nhằm chủ động phòng ngừa nguy cơ mua bán người và phát hiện các hành vi mua bán người.
Trong giai đoạn 2011-2020, theo thống kê của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, có 1.854 người được xác định là nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài.
Thời gian tới, theo Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Cục Lãnh sự sẽ tiếp tục tham mưu và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan trong nước triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn mới nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán người, phát hiện sớm và bảo vệ nạn nhân cũng như những người có nguy cơ trở thành nạn nhân.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa đánh giá thỏa đáng
Liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới đây công bố Báo cáo năm 2021 về tình hình mua bán người trên thế giới (Báo cáo TIP), từ góc độ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan cho rằng Báo cáo TIP năm nay cơ bản đánh giá tương đối tích cực về nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam, không có nhiều nhận định tiêu cực và chưa khách quan như Báo cáo TIP các năm trước.
Báo cáo khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc lần đầu tiên cung cấp số liệu mua bán người có phân tách trong nhiều năm trở lại đây, tăng kinh phí phòng, chống mua bán người, ban hành nhiều chính sách, pháp luật mới như Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 với các điều khoản nghiêm cấm thu phí môi giới đối với người lao động và tăng cường bảo vệ người lao động, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tổ chức các chiến dịch trên quy mô lớn ở cộng đồng có nguy cơ cao về mua bán người.
Báo cáo cũng đánh giá tất cả nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc điều chỉnh công tác phòng, chống mua bán người phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19 (điều chỉnh về việc tổ chức xét xử; tập huấn, hợp tác quốc tế thông qua trực tuyến...).
Tuy vậy, bên cạnh những đánh giá tích cực trên, theo Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, việc xếp hạng đối với Việt Nam tại Báo cáo TIP năm 2021 thể hiện rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa đánh giá thỏa đáng kết quả mà nước ta đã đạt được trong năm 2020.
Năm 2020 vừa qua, mặc dù phải đối phó với dịch COVID-19 kéo dài, nhưng tất cả các cơ quan chức năng, từ Trung ương tới địa phương đều nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống mua bán người, song song với việc xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
“Chúng ta đã từng bước thực hiện phân tách số liệu công tác phòng, chống mua bán người, lồng ghép vấn đề mua bán người trong xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan, đẩy mạnh phát hiện và kiên quyết xử lý vấn đề mua bán người trong nước, tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp, các ngành về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Việt Nam cũng tích cực tham gia các các cơ chế hợp tác khu vực về phòng, chống mua bán người như Tiến trình COMMIT, Tiến trình Bali và triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực này," Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan chia sẻ./.