Tiết kiệm năng lượng - "Mỏ vàng" chưa khai thác của Mỹ

Mỹ có thể tạo ra hơn 600.000 việc làm, giảm thiểu mức độ ô nhiễm, đồng thời có thể thu về 17 tỷ USD chỉ bằng cách thực hiện tăng cường tiết kiệm năng lượng.
Đập thủy điện Hoover Dam. (Nguồn: wikipedia)

Theo một nghiên cứu mới đây có tên "Thay đổi Chất lượng Không khí" của Hội đồng Kinh tế Tiết kiệm Năng lượng Mỹ (ACEEE), Mỹ có thể tạo ra hơn 600.000 việc làm có chuyên môn, giảm thiểu mức độ ô nhiễm và đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời lại có thể thu về 17 tỷ USD chỉ bằng cách thực hiện một điều đơn giản: Tăng cường tiết kiệm năng lượng.

Dự đoán, ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng hiện nay có thể giảm bớt 25% nhu cầu điện của Mỹ. Điều này tương đương với việc đóng cửa 494 nhà máy điện ở nước này vào năm 2030.

Theo tác giả Sara Hayes của nghiên cứu trên, chi phí năng lượng của Mỹ sẽ giảm và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Lượng khí thải CO2 cũng giảm mạnh với ước tính lên tới 600 triệu tấn/năm vào năm 2030. Con số này cao xấp xỉ lượng khí thải hàng năm của Canada, một trong những mức cao nhất thế giới hiện nay.

Bà Sara Hayes cho hay nghiên cứu được thực hiện rất cẩn thận và lợi ích thu được từ các hành động tiết kiệm năng lượng có thể rất lớn.

Hiện nay, công luận Mỹ đang ủng hộ mạnh mẽ một tiêu chuẩn quy định theo Luật Không khí Sạch của Mỹ để đề ra giới hạn mức khí thải CO2 tại các nhà máy điện hiện nay.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) hiện chuẩn bị một dự thảo các quy định về vấn đề này với dự kiến sẽ công bố vào ngày 1/6 tới.

Các bang ở Mỹ sẽ tuân thủ mục tiêu giảm khí thải CO2 mới đối với các nhà máy điện hiện nay và điều quan trọng là EPA cần đảm bảo tiết kiệm năng lượng là cách thức để đáp ứng mục tiêu này.

Nghiên cứu cho thấy mức độ vận dụng bốn chính sách tiết kiệm năng lượng thông thường của EPA cho các bang được linh hoạt trong việc đáp ứng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2.

Các chính sách này bao gồm việc đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng quốc gia ở mức 1,5%/năm, xây dựng các nhà máy điện có lợi về mặt kinh tế.

Các chính sách này đã được thử nghiệm cẩn thận và nhiều bang sẵn sàng tận dụng lợi thế của một số chính sách và chương trình tiết kiệm năng lượng cho người tiêu thụ cuối cùng.

Theo nghiên cứu, tất cả bang ở Mỹ có trữ lượng dồi dào về nguồn tài nguyên này. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác cho thấy Mỹ dẫn đầu thế giới về mức độ lãng phí năng lượng.

Theo ông Richard Caperton, Giám đốc Chính sách quốc gia của công ty phần mềm tiết kiệm năng lượng Opower, có trụ sở tại Arlington, Virginia (Mỹ), EPA có một cơ hội lớn để góp phần hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.

Với việc cung cấp báo cáo hàng ngày về tình hình sử dụng năng lượng cho các hộ gia đình và mức năng lượng tiêu thụ trung bình của khu vực mà họ sinh sống và cách thức tiết giảm tiêu thụ năng lượng, Opower sẽ giúp Mỹ tiết kiệm lượng điện tương đương với sản lượng điện năm 2013 của đập thủy điện Hoover Dam ở biên giới hai bang Arizona và Nevada (Mỹ).

Theo ông, Opower bắt đầu hoạt động cách đây tám năm chỉ với hai nhân viên và hiện nay lực lượng lao động của hãng đã lên tới 500 người.

Nghiên cứu của bà Sara Hayes cũng ước tính hoạt động tiết kiệm năng lượng từng bước sẽ tạo ra 611.000 việc làm vào năm 2030. Con số này bao gồm các việc làm trực tiếp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng như các nhà thầu xây dựng và các đối tượng như chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và nhân viên của họ hưởng lợi khi chi phí tiết kiệm được lại tái đầu tư vào nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Mike Franco, Giám đốc điều hành công ty cung cấp các hệ thống xây dựng thông minh RiptideIO, có trụ sở tại California (Mỹ), cho biết hãng đã lắp đặt một hệ thống kiểm soát năng lượng tiêu thụ trị giá 20 triệu USD cho chuỗi các cửa hàng dược phẩm Walgreens của Mỹ. Dự án này đã giúp Walgreens tiết kiệm 14 triệu USD trong năm 2013.

Tuy vậy, mục tiêu cắt giảm lượng khí thải CO2 của EPA hầu như đang vấp phải rào cản bắt nguồn từ những lợi ích lớn từ lĩnh vực sản xuất nhiên liệu hóa thạch và điện.

Ngoài ra, nhiều ngành công ích hoạt động dựa trên một mô hình tăng trưởng, hưởng lợi từ việc xây dựng nhà máy điện và bán điện nhiều hơn (thay vì giảm).

Mô hình kinh doanh của các ngành công ích sử dụng điện có thể được tái cơ cấu để khôi phục chi phí bỏ ra cho mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu trong khi vẫn hưởng lợi từ việc giảm lượng điện bán ra.

Một báo cáo khác gần đây của ACEEE cũng cho thấy tiết kiệm năng lượng là nguồn tài nguyên điện có chi phí thấp nhất đối với những ngành công ích sử dụng điện.

Theo tính toán, các chương trình giúp các khách hàng tiết kiệm năng lượng chỉ có chi phí khoảng 3 cent/kWh, trong khi chi phí sản xuất lượng điện tương đương từ việc đốt than hoặc khí đốt có thể cao gấp 2-3 lần.

Tuy vậy, Mỹ không phải là trường hợp duy nhất không thể dành ưu tiên cho nhiệm vụ tiết kiệm năng lượng. Một nghiên cứu quốc tế 2012 cho thấy, bất chấp tiềm năng lớn về cắt giảm khí thải và chi phí, chính phủ các nước dồn gần như toàn bộ sức lực vào nghiên cứu các nguồn năng lượng mới như các nhà máy điện mới hơn là hỗ trợ phát triển các mẫu ô tô, trang thiết bị và những tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Charlie Wilson, nhà khoa học làm việc tại Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế tại Laxenburg (Áo), tiết kiệm năng lượng là cách thức hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải cácbon gây ra tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động hiện nay. Tuy vậy, việc yêu cầu các nước thực hiện đầy đủ cam kết về mục tiêu tiết kiệm năng lượng là một điều hoàn toàn không dễ dàng.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây công bố kế hoạch phát triển năng lượng Mặt Trời mới, đồng thời đánh giá cao các biện pháp mà chính phủ đã thực hiện trong việc phát triển ngành năng lượng Mặt Trời ở Mỹ.

Theo kế hoạch trên, hàng nghìn ngôi nhà sẽ bắt đầu sử dụng năng lượng Mặt Trời và triển khai sản xuất hơn 850MW điện bằng năng lượng Mặt Trời, đủ để cấp điện cho khoảng 130.000 hộ gia đình.

Ngoài ra, theo Chính phủ Mỹ, các khoản đầu tư năng lượng hiệu quả khác sẽ làm giảm hóa đơn tiền điện cho hơn 93 triệu m2 của các tòa nhà.

Ông Obama cũng công bố các hoạt động điều hành mới thiết lập để bổ sung thêm 2 tỷ USD cho các khoản đầu tư nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện hoạt động của các tòa nhà và lắp đặt các thiết bị hiện đại hơn.

Ước tính, các động thái trên sẽ giúp Mỹ giảm hơn 380 triệu tấn khí thải CO2 - tương đương với việc giảm sử dụng 80 triệu chiếc xe hơi trong một năm. Đồng thời, những biện pháp này có thể tiết kiệm được 26 tỷ USD tiền điện cho các doanh nghiệp và hỗ trợ các chương trình đào tạo cho 50.000 lao động gia nhập lĩnh vực sản xuất năng lượng Mặt Trời vào năm 2020.

Còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết hoạt động sản xuất dầu khí đá phiến - yếu tố đóng góp đáng kể vào sản lượng năng lượng của nước này trong những năm gần đây, dự kiến gia tăng nhờ chủ trương tăng cường tiết kiệm năng lượng của nước này.

Sáu khu vực khai thác dầu khí đá phiến chủ chốt nói trên bao gồm Eagle Ford ở Nam Texas, Permian ở Tây Texas và New Mexico, Bakken ở Bắc Dakota và Montana, Haynesville ở Louisiana và Đông Texas, Marcellus ở khu vực Đông Bắc và Niobrara chủ yếu ở Colorado.

Theo dự đoán, tổng sản lượng dầu và khí đá phiến của sáu khu vực khai thác lớn tại Mỹ trong tháng 6/2014 sẽ tăng lên các mức tương ứng 4,43 triệu thùng/ngày và 1,11 tỷ m3 khí đốt/ngày, tăng 75.000 thùng và 13,59 triệu m3 khí đốt so với tháng 5/2014.

Hiện tại, hơn 50% trong số 3.400 giàn khoan khai thác dầu khí đá phiến đang hoạt động tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục