Sử dụng sách giáo khoa thế nào để đạt hiệu quả giáo dục và không lãng phí đang là câu chuyện nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các diễn đàn, đặc biệt là việc có nên kèm bài tập viết, vẽ, tô màu trong sách giáo khoa hay không.
Trước sức nóng của dư luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu giáo viên “hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở”, học sinh “không viết, vẽ vào sách giáo khoa.” Bộ cũng yêu cầu các sở giáo dục, trường “xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm.”
Tuy nhiên, Chỉ thị này của Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, về vấn đề này.
Nhiệm vụ bất khả thi?
- Thưa bà, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều về chỉ thị này. Quan điểm của bà như thế nào?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Thực tế, từ nhiều năm nay, các nhà viết sách đều được Bộ cảnh báo là không cho học sinh viết vào sách giáo khoa. Việc này đôi khi gây khó khăn, cản trở cho những chuyên gia viết sách, đặc biệt là sách tiểu học.
Những đứa trẻ lần đầu đến lớp, sách giáo khoa là điều thú vị khiến trẻ mong muốn khám phá. Việc Bộ đưa ra yêu cầu đó khiến các chuyên gia bối rối. Vì thế, mặc dù phần lớn sách giáo khoa là những bài học không tạo điều kiện để học sinh điền vào sách, vẫn có bài tập dạng này, tuy không nhiều.
[Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị về sử dụng sách giáo khoa]
Bộ yêu cầu giáo viên “hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở”, nhưng thực tế thì các bài tập đó không thể chỉ ghi kết quả mà phải chép cả phần làm bài ra. Ghi kết quả chỉ có toán là đơn giản. Nếu là tiếng Việt và là bài phân biệt, phân loại, chắc chắn các con sẽ phải kẻ bảng, rồi mới điền kết quả được. Ngoài ra, có nhiều bài trong sách chỉ cần nối bằng một gạch chéo là xong thì khi viết ra vở sẽ phải chép lại toàn bộ bài rồi mới gạch chéo.
Với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì việc chép lại bài tập ra vở hoặc giấy để làm thì quá đơn giản. Nhưng với cấp tiểu học, đặc biệt là trẻ lớp Một thì viết được một chữ cái đúng kích cỡ yêu cầu cũng là một việc khó khăn. Do đó, yêu cầu trẻ chép ra vở là một nhiệm vụ bất khả thi.
Thậm chí, khi thiết kế sách giáo khoa tiểu học, các tác giả còn cố gắng cắt giảm câu chữ để trẻ đọc ít mà vẫn có thể hiểu được bài. Để đọc tốt được một đoạn văn, trẻ chắc chắn phải có trình độ từ lớp Hai trở lên. Vì thế, yêu cầu trẻ chép ra vở chắc chắn sẽ không thể thực hiện được.
Viết, vẽ, tô màu - kênh kết nối trẻ hứng thú với bài học
- Sách giáo khoa hiện nay, nhất là tiểu học, được thiết kế có bài tập kèm luôn trong sách, được cho là nguyên nhân dẫn đến việc sách chỉ sử dụng được một lần. Là một nhà sư phạm chuyên sâu về giáo dục tiểu học, theo bà, có nên để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa như hiện nay hay không? Là một người viết sách, bà có thể cho biết cách thiết kế sách này có ý nghĩa gì về mặt khoa học giáo dục?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Viết, vẽ vào sách là một gợi ý thật sự cởi mở giúp các tác giả sách giáo khoa thoải mái sáng tạo các bài học hấp dẫn dành cho trẻ, đặc biệt khi trẻ còn chưa thạo đọc viết.
Tôi lấy ví dụ về một bài học tự nhiên và xã hội như sau:
Các con học về các giác quan trên cơ thể, nếu được phép thiết kế các bài học mà trẻ tô vẽ vào sách, các tác giả sẽ có rất nhiều những sáng tạo như:
- Em hãy tô mầu vào các giác quan trong khuôn mặt dưới đây.
- Em hãy vẽ một khuôn mặt với các giác quan đã học.
- Em hãy nối các giác quan này với những món đồ mà giác quan đó cảm nhận được.
- ...
Đó là tôi chỉ diễn giải bằng lời cho người lớn hiểu, còn với trẻ nhỏ, chúng tôi có cách phiên dịch để trẻ nhìn hình lập tức hiểu ngay và có thể cầm bút lên tô vẽ hoặc gạch nối. Khi đó, các con có thể học hỏi ngay mà không cần hướng dẫn của giáo viên.
[Bộ trưởng dạy Toán lớp Một mà không cho học sinh viết, vẽ vào sách, tôi bỏ nghề!]
Với cách thiết kế dạng này, chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với trẻ nhỏ, những bạn đang phải lúng túng với việc học hành. Từ đó, bài học giống một trò chơi thú vị hơn là giờ học khô cứng.
Với giáo viên, một cuốn sách được thiết kế để học sinh có thể tương tác với sách sẽ giúp họ rất nhiều trong giờ dạy. Chỉ cần hiệu lệnh của cô, các con có thể tự làm, có thể cùng bạn bè thảo luận, có thể “đọc hình” để hiểu và thắc mắc gì đó với cô giáo. Khi đó giờ học sẽ hiệu quả gấp bội.
Một tiết học 35 phút quá hạn hẹp để cô giáo nghĩ ra các hình thức trò chơi học tập khác nhau. Những trò chơi học tập được sáng tạo sẵn trong sách sẽ giúp cô rất nhiều khi giảng dạy và quản lý học sinh.
Nên để các nhà chuyên môn lên tiếng
- Nhiều ý kiến cho rằng việc viết, vẽ vào sách khiến sách chỉ dùng được một lần, gây lãng phí và nên tái sử dụng sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết việc ra chỉ thị này nhằm giúp sách được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sách giáo khoa không quá đắt, thậm chí chỉ bằng giá một chai nước lọc, trong khi việc dùng sách một lần giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn.
Còn bà, bà nghĩ sao về điều này?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Tiết kiệm trong giáo dục là khái niệm mà tôi chưa nghe thấy ở bất kể một nền giáo dục nào trên thế giới.
Đối tượng của giáo dục là trẻ nhỏ, là những người nắm giữ vận mệnh quốc gia trong tương lai. Một cuốn sách có giá trị chưa bằng một ổ bánh mì thịt được sử dụng trong suốt một năm học thì không có gì gọi là đắt để tiết kiệm.
Trong khi việc tiết kiệm này đôi khi sẽ khiến giờ học của trẻ trở nên nhàm chán, trẻ giảm sút sự sáng tạo và giảm sút hứng phấn học tập. Rõ ràng đây là điều lợi bất cập hại, chúng ta có nên thực hiện?
- Nhiều phụ huynh tỏ ra khá băn khoăn trước các ý kiến trái chiều về việc có nên cho con viết vào sách hay không. Bà có lời khuyên nào cho các phụ huynh?
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: Tôi nghĩ, các chuyên gia, các nhà giáo sẽ luôn biết phải làm gì để dạy dỗ trẻ. Để một đứa trẻ trưởng thành, các con cần học kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Hãy để mảng kiến thức đó cho nhà trường và các thày cô phụ trách.
Các phụ huynh nên chuyên tâm vào việc giáo dục kỹ năng và đạo đức.
Khi đó, chúng ta không ai dẫm chân ai mà vẫn có thể giúp được nhiều nhất cho một đứa trẻ trưởng thành và hoàn thiện bản thân.
Do vậy, tôi nghĩ hãy để các nhà chuyên môn lên tiếng và các thầy cô giáo quyết định vấn đề này.
- Xin cảm ơn bà!