Tiết lộ gây chấn động về lợi nhuận được chia của Lawrence

Jennifer Lawrence, nữ diễn viên có cátxê cao thứ hai Hollywood, đã được chia lợi nhuận thu về từ bộ phim được đề cử Oscar, "American Hustle," ít hơn so với các đồng nghiệp nam.
Lawrence và đồng nghiệp Amy Adam chỉ được chia 7% lợi nhuận phòng vé. (Nguồn: Columbia Pictures)

Nhiều nguồn tin rò rỉ cho biết, Jennifer Lawrence, nữ diễn viên có cátxê cao thứ hai Hollywood (chỉ sau Sandra Bullock) đã được chia lợi nhuận thu về từ bộ phim được đề cử Oscar, "American Hustle," ít hơn so với các đồng nghiệp nam.

Cụ thể, các nam diễn viên Christian Bale, Bradley Cooper và Jeremy Renner đều được chia 9% lợi nhuận phòng vé, trong khi Lawrence và đồng nghiệp Amy Adam chỉ được chia 7%.

Đây chỉ là một trong số những tiết lộ gây chấn động mà nhóm hacker có tên Guardians of the Peace (Người bảo vệ Hòa bình) thu được sau khi tấn công công ty Sony Pictures hồi cuối tháng 11 vừa qua.

Không ai biết kẻ đứng sau Guardians of the Peace là ai, nhưng nhiều người tin rằng nhóm hacker này có liên hệ với Triều Tiên, quốc gia đang bày tỏ sự tức giận với bộ phim hài "The Interview" của Sony Pictures có nội dung là kế hoạch ám sát Kim Jong-un của CIA.

Các hacker đã công bố những email giữa các nhân vật quan trọng của công ty, những đoạn kịch bản phim chưa hoàn thành, thậm chí cả số an sinh xã hội và chi tiết tài khoản ngân hàng của các nhân viên. Guardians of the Peace khẳng định vụ tấn công mới chỉ bắt đầu, và điều này khiến các lãnh đạo của Sony Pictures vô cùng lo lắng khi phải chạy đua để cứu vãn sự nghiệp và danh tiếng của mình sau khi những bí mật lớn bị tiết lộ.

Vài ngày trước khi rò rỉ thông tin về Jennifer Lawrence, nhóm hacker đã đăng tải một loạt email về Angelina Jolie, trong đó viết rằng Scott Rudin, một trong những nhà sản xuất phim nổi tiếng với các bộ phim như "The Social Network" hay "Captain Phillips" đã nói xấu nữ diễn viên.

Rudin miêu tả Jolie như một "đứa trẻ hư hỏng chỉ có một chút ít tài năng", và chỉ trích việc cô muốn mời một đạo diễn mà Rudin cũng muốn làm việc cùng để sản xuất bộ phim về Cleopatra.

Michael Fassbender cũng bị nhắc đến khi Aaron Sorkin, nhà sản xuất của các phim "The West Wing""A Few Good Men" giận dữ với việc anh được chọn vào dàn diễn viên của bộ phim hồi ký về Steve Jobs.

"Tôi không biết Michael Fassbender là ai, và cả thế giới này cũng chẳng cần biết. Thật điên rồ."

Scott Rudin cũng liên quan tới một loạt email trao đổi với Amy Pascal, đồng chủ tịch hãng Sony Pictures Entertainment về Tổng thống Obama và có nội dung phân biệt chủng tộc. Hai người này đã thử đoán những bộ phim yêu thích của Tổng thống, và cho rằng ông sẽ thích xem những phim nói về nô lệ hay có diễn viên người Mỹ gốc Phi.

Khi những bức thư này lộ ra, Rudin đã bị chỉ trích rất nhiều, và buộc phải đưa ra lời xin lỗi chính thức.

"Những bức email gửi giữa bạn bè và đồng nghiệp thường được viết vội vã và thiếu suy nghĩ cùng sự nhạy cảm. Tôi đã viết nhiều bức thư chỉ để cho vui, nhưng khi nhìn lại, chúng thật sự không hài hước chút nào. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới những người tôi đã xúc phạm. Tôi rất hối hận và mong được tha thứ nếu tôi đã làm tổn thương họ."

Pascal cũng bị bẽ mặt, và nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm từ Angelina Jolie khi họ gặp nhau trong bữa sáng ở Hollywood cuối tuần. Pascal cũng đưa ra lời xin lỗi về những lời nói "thiếu nhạy cảm và không phù hợp" trong email và nói rằng những gì đã viết "không phản ánh chính xác con người tôi."

Cùng những cuộc nói chuyện gây bức xúc, các bức email còn tiết lộ sự phân biệt về tiền lương giữa nhân viên nam và nhân viên nữ, bên cạnh việc trả lợi nhuận thiếu công bằng cho Jennifer Lawrence. Ví dụ nổi bật là Michael De Luca, đồng chủ tịch sản xuất được trả lương 2,4 triệu USD, trong khi người giữ chức vụ tương tự là Hannah Minghella chỉ được trả 1,5 triệu USD.

Vụ rò rỉ thông tin đã gây nên một cuộc khủng hoảng ở Sony Pictures. Trước đó, Chủ tịch tập đoàn Sony, ông Kazuo Hirai đã phải ra lệnh chỉnh sửa bộ phim về Triều Tiên sau khi nhận được phàn nàn từ phía Bình Nhưỡng.

Một số quan chức chính phủ Mỹ cho biết Vụ An ninh quốc gia trực thuộc Bộ Tư pháp đang tích cực điều tra để tìm ra người đứng sau vụ tấn công vào Sony.

"Vụ việc tại Sony đã thu hút sự tập trung toàn phần của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần hợp tác với Sony để giải quyết sự việc," John Carlin, trợ lý Tổng Chưởng lý ở Vụ An ninh quốc gia cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục